Phản hồi bài viết thứ hai của bạn Lê Hoàn
BBC - 25 Tháng 9 2007
Đọc bài viết thứ hai của bạn Lê Hoàn, tôi thấy bạn không phản bác những luận điểm tôi đã đưa ra ở bài viết thứ nhất. Cho nên tôi giả thiết rằng bạn đã đồng ý với những luận điểm đó.
Tôi nhắc lại những điểm chính mà bạn đã không phản bác:
Thứ nhất, Nhà nước hiện nay là Nhà nước ‘của Đảng, do Đảng, và vì Đảng’, là đảng trị chứ không phải là Nhà nước ‘của Dân, do Dân, vì Dân’, là pháp trị.
Thứ hai, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản là không tưởng.
Thứ ba, giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đã và đang áp đặt chế độ độc đảng kiểu phương Tây vào Việt Nam và họ đang đứng trên pháp luật.
Thứ tư, dân chủ là giá trị phổ quát, cả phương Đông và phương Tây đều áp dụng. Thuật ngữ ‘dân chủ kiểu phương Tây’ chỉ là ngụy biện.
Thứ năm, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do ứng cử, tự do bầu cử là những quyền đã đuợc minh định trong Hiến pháp. Giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam chống lại và thủ tiêu những quyền này của nhân dân là những người vi phạm pháp luật.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là những việc làm vi phạm pháp luật cần chấm dứt ngay, không thể biện minh cho việc phạm pháp và tiếp tục kéo dài sự vi phạm bằng bất cứ lý do gì.
Thứ sáu, Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ đang sinh hoạt tại Việt Nam là chuyện hợp pháp.
Thứ bảy, đảng Dân Chủ đang hoạt động tại Việt Nam là chuyện hợp pháp.
Sau khi điểm qua một số vấn đề đã đồng thuận, chúng ta cùng trao đổi về những luận điểm trong bài viết thứ hai của bạn.
Thế nào là ‘dân trí’Đọc những ý kiến và lập luận của bạn về ‘dân trí’, tôi có những điều thắc mắc sau :
Thứ nhất, theo bạn, người có trình độ như thế nào thì được nhận ‘danh hiệu’ ‘dân trí cao’ ? Cần phải có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, trung học, … ? Bạn nói chung chung về ‘dân trí’ nhưng lại không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể của ‘dân trí cao’ là gì ?
Thứ hai, bạn không nêu ra được khi nào thì một dân tộc gọi là có ‘dân trí cao’ ? Cần bao nhiêu phần trăm dân số thuộc loại ‘dân trí cao’ để quốc gia đó có dân chủ ?
Thứ ba, chiến lược của ‘đảng ta’ để đào tạo người có ‘dân trí cao’ như thế nào ? Cần bao nhiêu năm để đào tạo được đủ số người ‘dân trí cao’ để đất nước chuyển qua dân chủ như lời ‘đảng ta’ đang hô hào?
Ngoài những câu hỏi trên dành cho bài phản hồi thứ 3 của bạn, những lập luận còn lại của bạn rất chủ quan và không hề có căn cứ vững chắc.
Bạn viết : ‘Người Việt rất đoàn kết trong chiến tranh, nhưng dường như không đoàn kết lắm trong thời bình.’ Điều làm tôi đau đầu là hai chữ ‘dường như’ ? ‘Dường như’ bạn không đủ tự tin để khẳng định những điều bạn viết là đúng ?!
Những thói hư tật xấu của người Việt đã được bạn nêu ra khá nhiều, đó là không đoàn kết, khôn vặt, rụt rè,… Thật sự tôi không biết bạn dựa trên tiêu chí nào, cuộc khảo sát và điều tra nào, tiến hành lúc nào để rút ra những kết luận đó ?
Bạn lại viết tiếp : ‘Thực chất cho thấy rằng, trong những lần khiếu kiện, cái mà người dân đòi hỏi không phải là công bằng, dân chủ - đó chỉ là khẩu hiệu thôi! – mà cái họ cần là vấn đề cá nhân của họ được giải quyết.’ Bạn dùng chữ ‘thực chất’ ở đây dựa trên cơ sở nào ? đã có cuộc khảo sát và điều tra nào chưa ?
Tôi có may mắn hơn bạn là tôi đang ở Việt Nam, và tôi đã tiếp xúc với khá nhiều người nông dân, công nhân, dân oan. Họ cho tôi những thông tin khác khá xa so với những gì bạn nói.
Tất nhiên, tôi không làm điều tra gì cả nên những gì tôi viết ở đây chỉ dựa trên những người mà tôi đã tiếp xúc.
Điều thứ nhất, họ rất hiểu luật pháp. Sau bao nhiêu năm trời đi khiếu kiện, thậm chí họ còn thuộc từng điều một trong các bộ luật liên quan đến việc kiện tụng của họ.
Điều thứ hai, từ việc thông hiểu luật pháp, từ việc liên tục bị xét xử oan sai, từ việc có quá nhiều cùng cảnh ngộ như mình ở ngay trong chỗ họ cư trú, họ đã hiểu nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất công ở Việt Nam, đó là ‘đảng trị’ thay vì ‘pháp trị’.
Nói chuyện với họ, nếu bạn cho là họ ‘dân trí thấp’, tôi cũng xin tự nhận mình là ‘dân trí thấp’.
Để giải quyết hai quan điểm khác nhau của bạn và tôi về ý thức chính trị của dân oan, tôi đề nghị một phương pháp giải quyết ở cuối bài, đó là trưng cầu dân ý.
Bạn lại hỏi tôi : ‘Bạn nghĩ gì về các hiện tượng bột phát trong xã hội hiện nay và nguồn gốc sâu xa của nó: vụ thiếu uý Phương Minh; vụ công nhân nhà máy Dung Quất, hiện tượng xây nhà trái phép, giao thông đô thị…’ ?
Theo tôi, để xảy ra những thảm trạng như vậy, nguyên nhân sâu xa của nó là phép nước không nghiêm, đảng trị thay vì pháp trị. Nói cụ thể hơn nữa là do không có tòa án độc lập và báo chí tự do.
‘Thượng bất chính’ thì ‘hạ tắc loạn’. Và người chịu trách nhiệm cao nhất là những người đang lãnh đạo đất nước.
Địa chính trịBạn cho rằng : ‘Quản lí một đất nước dài và hẹp là vấn đề quá khó đối với bất cứ một nhà chính trị nào’ và bạn đưa ra một loạt ví dụ lịch sử sau đó.
Không tranh cãi với bạn về vấn đề lịch sử, tôi cho rằng quốc gia nào cũng có vấn đề khó khăn riêng của nước đó. Không thể so sánh được vấn đề này giữa các quốc gia.
Tôi chỉ có thể đồng ý với bạn là ‘quản lý quốc gia là vấn đề rất khó’. Và không phải ai cũng có khả năng quản lý, quản lý một công ty rất khó, quản lý cả quốc gia khó hơn gấp nhiều lần.
Vậy thì ở đây, chúng ta càng cần đến bầu cử tự do và công bằng để chọn người tài đức ra lãnh đạo và quản trị quốc gia.
Những người lãnh đạo quốc gia mà suốt ngày chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan (lịch sử, địa lý, thời tiết, cá tính dân tộc…), những người đó không xứng đáng là lãnh đạo. Đạo lý đầu tiên một người lãnh đạo cần có là tính dám chịu trách nhiệm.
Lãnh đạo làm sai hay làm không được thì chỉ biết xin lỗi, đổ thừa, rồi lại …lãnh đạo tiếp. Có lẽ đó là bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam.
Ví dụ như vụ kiểm toán phát hiện 7600 tỉ đồng bị thất thoát đã gây chấn động dư luận cả nước. Phát hiện chỉ để …phát hiện vì lại …huề cả làng. Không ai chịu trách nhiệm, không ai bị truy tố. Đó là lý do tại sao tham nhũng và bất công xã hội tràn lan.
Nhầm lẫn tai hạiMột điều nhầm lẫn, hoặc cố tình nhầm lẫn của bạn Lê Hoàn, đó là đánh đồng một chính quyền dân chủ là một chính quyền yếu, dễ bị chia cắt, còn chính quyền độc tài là một chính quyền mạnh và ổn định.
Thực ra là ngược lại, khi người dân có cơ hội để bày tỏ chính kiến của mình qua báo chí tự do, khi hệ thống luật pháp minh bạch, những mâu thuẫn, bất công trong xã hội sẽ được phát hiện kịp thời và Nhà nước dân chủ nhanh chóng có chính sách điều chỉnh.
Còn trong thể chế độc đảng, nơi báo chí tư nhân bị cấm đoán, nơi tòa án bị khống chế, nơi tự do biểu tình là điều xa xỉ, người dân không có phương tiện nào để biểu lộ ý chí. Bất công sẽ hoành hoành, gây bất ổn xã hội nghiêm trọng, dù nhìn bề ngoài, người ta nghĩ rằng đất nước đang ổn định.
Có thể lấy ví dụ như một nồi hơi nước, lòng dân (nước) đang sôi sùng sục mà chính quyền cứ lấy cái nắp nồi để đậy chặt lại, khăng khăng cho rằng nước (lòng dân) đang yên. Khi nồi nước bị nổ, hậu quả sẽ rất khó lường.
Bạn lấy ví dụ về Đông Timor, tôi có thể kể hàng loạt quốc gia khác trên trái đất này có nhiều sắc tộc khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, tôn giáo khác nhau nhưng vẫn xây dựng thành công thể chế dân chủ. Tôi có thể kể ra một số nước tại châu Á như Malaysia, Ấn Độ,… ở châu Âu như Bỉ, Thụy Sĩ,… ở châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada…
Việc đất nước đang mất ổn định thể hiện qua chính lời nói của những người lãnh đạo. Một quốc gia đang ổn định thì không thể nhìn đâu cũng thấy ‘phản động’, ‘thế lực thù địch’, ‘diễn biến hòa bình’, ‘bạo loạn lật đổ’…
Mới đây, ngày 27/08/2007, trên VTV1, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại tuyên bố trước Tổng cục chính trị - Bộ quốc phòng rằng ‘dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai muốn bỏ điều 4 Hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó, bỏ cái đó đồng nghĩa với việc chúng ta tuyên bố tự sát’.
Không có chủ tịch của một quốc gia ổn định nào lại đi phát biểu như vậy. Rõ ràng là đất nước đang bất ổn.
Khẩu hiệu muôn nămĐọc một số đoạn bạn viết, tôi có cảm giác bạn đang ‘say’ khẩu hiệu, có thể là do cảm xúc đang dâng trào trong tim bạn Lê Hoàn.
Những câu khẩu hiệu hết sức chung chung, rất thường nghe vì chúng …không thể trật được, nghe rất ‘kêu’ nhưng thật ra rỗng tuếch.
Ví dụ như ‘tư tưởng bây giờ là lòng yêu nước, là tư tưởng dân tộc, là ý chí toàn dân trong thời đại mới, là chinh phục thiên nhiên và chinh phục lòng người’.
Trong bài viết số 3 của bạn, bạn thử giải thích cặn kẽ câu này xem nó có ý nghĩa gì ?
Lại một câu rất thường gặp nữa như ‘Tôi hi vọng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta sẽ từng bước khắc phục những khó khăn, giảm dần tỉ lệ tham nhũng, củng cố và kiện toàn sự lãnh đạo bộ máy chính quyền.’
Đã hàng chục năm trôi qua, công thức câu này vẫn không đổi, không hề có ‘tam sao thất bản’, không hề có sáng tạo ?!
Nếu giới lãnh đạo của đảng cộng sản tự cho họ là sáng suốt, vậy tại sao họ không dám cạnh tranh với các đảng phái khác qua bầu cử tự do và công bằng để nhân dân phán xét ?
Bạn có quyền ‘hi vọng’ vào ‘sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng’, vậy còn những người không còn hi vọng vào ‘sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng’, họ có thể làm gì ?
Bạn còn có câu khẩu hiệu rất kêu này : ‘Yêu nước trong thời gian này để dành thời gian, tâm sức làm kinh tế, là nghiên cứu khoa học, là chinh phục tự nhiên và xây dựng nên những kì quan vĩ đại cho dân tộc.’
Định nghĩa của bạn về ‘yêu nước’ như vậy đã loại bỏ rất nhiều người Việt Nam đang làm những công việc khác với cái ‘định nghĩa’ về lòng yêu nước của bạn. Tôi không phân tích sâu hơn nữa về câu nói này mà để cho bạn đọc ngẫm nghĩ.
Nhưng tôi rất đồng ý với câu nói này của bạn :
‘Về lý thuyết toán học bạn có thể áp dụng công thức máy móc một cách đệ quy, nhưng về phương diện con người, chúng ta không có quyền thử làm rồi nói rằng mình sai lầm. Đã có những sai lầm trong lịch sử và rất khó khắc phục.’
Như tôi đã trình bày trong bài viết trước, chủ nghĩa xã hội (CNXH) hay chủ nghĩa cộng sản (CNCS) đang là thứ lý thuyết trên giấy, chưa thành công ở bất kì nước nào cả. Vậy mà những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lại đem đi ‘thử’ với dân tộc Việt Nam ? Họ tự cho họ cái quyền đó ?
Bạn cũng có một câu hỏi hay : ‘Trung đã nghĩ đến những vấn đề phát sinh ngoài mong đợi khi áp thể chế đa đảng ở Việt Nam chưa?’
Bạn cứ yên tâm rằng những người dân chủ đã, đang và sẽ luôn luôn nghĩ đến những vấn đề này. Giải quyết vấn đề chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ dễ hơn nhiều so với vấn đề xây dựng CNXH ở Việt Nam vì đã có rất nhiều nước trên thế giới chuyển tiếp thành công từ độc tài sang dân chủ.
Ngược lại, chẳng có nước nào xây dựng thành công CNXH. Và ‘đảng ta’ vẫn đang mò mẫm qua sông…
Còn câu khẩu hiệu cũng độc đáo không kém :‘Chúng ta ở một vài điểm còn yếu kém. Du lịch thua Thái Lan, Trung Quốc, nhưng chúng ta tự hào là đã chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược.’
Tôi thấy không được logic lắm khi đem so sánh những thành tựu hiện tại của họ với những thành tựu trong quá khứ của chúng ta. Chúng ta không thể ‘mài quá khứ ra mà ăn’, có người còn gọi là ‘ăn mày dĩ vãng’.
Một phát minh nữa cũng độc đáo không kém là câu 'chúng ta luôn hướng đến một xã hội dân chủ mang bản sắc Việt Nam’. Thú thật với bạn, đây là lần đầu tiên tôi nghe thuật ngữ này. Mong rằng bạn sẽ giải thích rõ ràng câu này ở bài viết sau.
Còn rất nhiều những câu như vậy trong bài của bạn Lê Hoàn, tôi không kể hết ra đây được.
Quản lý quốc gia bằng khẩu hiệu thật dễ dàng ! Một đứa bé cũng có thể làm được.
Quản lý quốc gia bằng cách kêu gào ‘đạo đức’ là cách quản lý xã hội thời …cổ đại.
Một xã hội hiện đại, phức tạp cần được quản lý bằng ‘pháp trị’.
Bạn nên xem thêm bài viết ‘Dân chủ và chủ nghĩa’ của tôi để hiểu thêm vấn đề.
Thực dân da vàngĐọc những dòng của bạn về ‘dân trí’ tôi có cảm giác thật xót xa.
Cách đây gần 2 thế kỉ, thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, bạn Lê Hoàn có biết chúng núp dưới chiêu bài nào để cai trị nước ta không ? Đó là chiêu bài ‘dân trí’.
Thật vậy, chúng cho rằng
dân An Nam là giống ngươi man di, mọi rợ, không biết văn minh là gì, dân An Nam không xứng đáng được hưởng những quyền lợi như một con người.
Nếu bạn thay từ ‘dân An Nam’ bằng từ ‘người Việt Nam có dân trí thấp’, bạn sẽ hiểu nỗi buồn của tôi.
Mỗi lần quốc tế lên án chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, bác Lê Dũng, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao luôn khẳng định chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Những quyền cơ bản của công dân như quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do ứng cử và bầu cử được bảo đảm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Qua bài viết của bạn Lê Hoàn, bạn đã phủ nhận những quyền đó của người dân vì cho rằng dân Việt Nam có ‘dân trí thấp’, chưa xứng đáng để hưởng những quyền con người đó.
Vậy là bạn cũng thừa nhân bác Lê Dũng, người đại diện cho chính quyền Việt Nam đang nói dối, không chỉ nói dối với quốc tế, mà nói dối với chính nhân dân Việt Nam.
Một chính quyền nói dối và mị dân như vậy, chính quyền đó có xứng đáng để tiếp tục ‘phục vụ’ nhân dân hay không ?
Hãy trưng cầu dân ý và đối thoại trực tiếpQua bài viết thứ hai này của bạn, tôi thấy bạn lảng tránh rất nhiều vấn đề đặt ra trong bài viết trước của tôi.
Mong rằng bài viết tới đây của bạn sẽ trả lời thỏa đáng những câu hỏi của tôi trong bài viết này.
Nếu bạn tiếp tục né tránh vấn đề, có lẽ chúng ta đành phải dừng cuộc tranh luận này.
Có một cách để ‘định lượng’ ‘tầm hiểu biết’ của người dân, đó là trưng cầu dân ý. Chúng ta không thể nói khơi khơi là ‘dân trí thấp’ hay đổ thừa cho ‘tâm lý dân tộc’ được mà cần số liệu cụ thể.
Hãy trưng cầu dân ý để xem người dân Việt Nam với đa số là ‘dân trí thấp’ lựa chọn ‘độc đảng’ hay ‘đa đảng’, ‘độc tài’ hay ‘dân chủ’ !
Lặp lại bài viết trước, tôi sẵn sàng ra tranh luận trực tiếp, công khai với bạn hoặc với những đoàn viên ưu tú nhất tại Thành đoàn, tại các trường đại học để các bạn sinh viên phán xét.
Vài dòng chia sẻ với bạn Lê Hoàn
TP.HCM, ngày Tết Trung thu 25/09/2007
Nguyễn Tiến Trung