ngo_thi_van wrote on 24. Aug 2010 , 19:58:Em Tuyet Lan oi ,
Co da nghe dươc bai hat Tinh Me do Mai Thien Van trinh bay roi , nhung Co chua hieu chuyen gi da xay ra cho nhung ngươi trong may tam hinh do , em co the so lươc ke cho Co biet khong?
Cam on em.
Co Van
Thưa Cô Vân
Mời Cô và cả nhà đọc bài viết của Minh Triệu.
Chuyện rất cảm động.
Cám ơn TL rinh về.
--------------------------
Người đàn bà chung thủy duy-nhất trên cõi đời đó chính là người mẹ.
Minh-Triệu
Tôi tỉnh thức sau một giấc ngủ hôn mê. Tôi hoang mang mất hết định hướng không gian và thời gian.
Trong giây lát, tri thức tôi dần dần hồi phục để biết đây không phải là gian phòng quen thuộc của tôi. Ánh đèn xanh xao bao phủ căn phòng lạnh lẽo khiến tôi rùng mình. Tôi có cảm giác đau khắp cơ thể, nhất là nơi cổ họng. Tôi cố gắng nói nhưng cổ tôi tắt nghẽn nói chẳng nên lời.
Thì ra cổ tôi, cánh tay và ngực tôi đang được nối vào những máy móc xung quanh giường tôi nằm. Tôi đang ở bệnh viện và vừa trải qua một cuộc giải phẩu.
Tôi đang bàng hoàng thì một bàn tay ấm áp đặt nhẹ trên trán tôi. Tôi ngước mắt lên và thấy gương mặt hiền từ trìu mến và đôi mắt vừa mừng rỡ lẫn lo âu của mẹ tôi. Tôi vui mừng nhìn mẹ, người duy nhất trên đời đã chung thuỷ với tôi qua suốt thời gian dài dằng dặc bệnh tật của tôi.
Và tôi cảm thấy yên tâm ...
Từ khi gia đình tôi định cư ở Mỹ, mẹ tôi đã đưa tôi đến nhiều bác sĩ để chữa bệnh. Bác sĩ này giới thiệu đến bác sĩ kia rồi chuyển qua bệnh viện nọ. Cuối cùng tôi được giới thiệu đến bệnh viện UCSD (University California San Diego) để khám toàn khoa và làm mọi thí nghiệm cùng thử DNA (Deoxyribonucleic Acid). Kết quả là tôi bị bệnh Muscular Dystrophy một chứng teo bắp thịt được tìm ra bởi bác sĩ Becker nên người ta thường gọi là M.D. Becker. Bệnh này toàn thế giói nhất là nước Mỹ đang nổ lực nghiên cứu tìm thuốc ngừa cũng như thuốc trị nhưng chưa ra đáp số. Hy vọng một ngày thật gần y học sẽ tìm ra thuốc ngừa hữu hiệu để sẽ không còn ai mắc bệnh như tôi.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày ở Việt Nam năm 1978-1979, người ta đồn có một ông thầy ở Chợ Lớn, chữa bệnh bằng chuyền nhân điện rất hay. Thế là mẹ tôi mỗi sáng lẽo đẽo chở tôi bằng chiếc xe đạp mini cũ màu đỏ đi từ 4 giờ sáng đến xếp hàng để lấy số thứ tự. Cái tuổi lên 10 lúc ấy tôi đang say ngủ thì cứ bị mẹ dùng khăn ướt lau mặt cho tôi để đánh thức tôi dậy đi chữa bệnh. Tôi không thích thú gì nhưng vẫn phải ngoan ngoãn vâng lời. Cứ 8 giờ sáng là thầy đến, người phụ tá gọi từng đợt 10 người theo số thứ tự lên ngồi vây quanh thầy để thầy sờ đầu, sờ vai chuyền nhân điện. Chỉ có thế thôi rồi ra về.
Có lần mẹ tôi vì làm việc mệt quá nên ngủ quên đến 6 giờ mới thức, đến nơi gần 7 giờ! Người ta đã xếp hàng đông như kiến chỉ vì thầy chữa bệnh miễn phí mà! Mẹ tôi phải lấy tới số hơn 200 và hôm ấy đến 2 giờ chiều hai mẹ con mới được ra về. Theo thầy một thời gian mà bệnh tình của tôi không có kết quả nên người bỏ cuộc.
Rồi 3 tháng hè trôi qua ,tôi phải trở lại trường học. Trường tuy gần nhà nhưng tôi quá yếu nên người phải đưa đón tôi mỗi ngày bằng chiếc mini cọc cach... Bây giờ nhớ lại tôi thương mẹ vô cùng. Người là nguồn sống của tôi. Người là hơi thở trong tôi. Người là máu đỏ dưỡng nuôi tôi nên vóc nên hình. Người là tất cả của đời tôi. Người lúc nào cũng dạy tôi phải ngoan ngoãn chăm học, vâng lời, không tham lam, không lừa lọc, không được gây sự, đánh nhau và phải luôn biết thương người như thể thương thân. Chắc cũng vì thế mà tôi chưa hề biết dối gian và ghen ghét ai bao giờ.
Mẹ tôi, người là tình yêu đầu tiên mà tôi nhận được trong lòng người ngay từ lúc người mới cưu mang tôi 9 tháng 10 ngày.
Và kể từ lúc chào đời cho đến nay tôi đã 34 tuổi, lúc nào tôi cũng được người ấp ủ, bồng bế, yêu thương với tất cả nghĩa của những mỹ từ này.
Mẹ tôi, người vốn đạo đức và đã chọn Thiên Chúa là tình yêu nên ngay từ ngày mới có gia đình, người đã tự hứa nếu sinh con trai đầu lòng thì người sẽ hiến dâng đứa con ấy cho Chúa bằng cách cho nó ăn học để trở thành Linh Mục. Người đã toại lòng khi sinh tôi, đứa con trai đầu lòng mà người hằng mơ ước. Người rất đỗi vui mừng và mãn nguyện. Lời thỉnh cầu thành kính của người đã làm Chúa cảm động và Chúa đã ban cho người một con trai đầu để dâng Ngài như ý nguyện. Thế nhưng, tôi lại bị nhuốm bệnh ngặt nghèo. Căn bệnh bại liệt toàn thân đã thiêu hủy sức khoẻ của tôi khi tôi đang còn thơ ấu, bắt tôi phải song hành kết bạn với chiếc xe lăn suốt đời. Chúa đã nhận lời cầu xin của mẹ tôi. Chúa đã chọn tôi; nhưng theo ý Ngài chứ không theo ý của mẹ tôi.
Dù vậy, mẹ tôi bao giờ cũng muốn tôi vượt lên số phận, động viên tôi vươn lên làm người có ích, dù tàn mà không phế. Bà khuyên tôi nên đi học để mở mang kiến thức. Mẹ tôi thường nói: học vấn rất cần cho con người. Học vấn là chìa khoá mà với chìa khoá đó ta có thể mở được tất cả ổ khoá trên cuộc đời này.
Thế nên, vào một ngày xuân nắng ấm, mẹ tôi đưa tôi đến trường Mesa College để tôi điền đơn xin học, vì mẹ tôi đang là sinh viên của trường này từ mùa xuân năm ngoái. Nguyện ước của bà là sẽ tốt nghiệp Medical Assistant để chăm sóc cho tôi và tương lai sẽ tình nguyện săn sóc những người bệnh hoạn tàn tật ở những nước đói nghèo khi bà có hoàn cảnh. Và mẹ tôi đã toại nguyện. Bà đã tốt nghiệp hồi tháng 5 năm 1997.
Những năm còn là sinh viên của trường Mesa College, mẹ tôi rất vất vả. Tôi và mẹ cùng đi học 3 ngày mỗi tuần. Nhà tôi lúc ấy phải ở trên lầu của apartment. Mỗi lần đi học bà phải đem cặp sách của bà và của tôi xuống dưới lầu trước, bỏ vào xe. Kế đó, bà trở lên lầu khệ nệ bồng tôi xuống, đặt ngồi vào ghế, cột dây an toàn cho tôi rồi bà mới vào ghế của bà, lái xe chạy thẳng đến trường. Chỉ 20 phút sau thì đến trường. Đậu xe xong, bà đến thùng xe mở nắp đem chiếc xe lăn ra, ráp cho ngay ngắn rồi bồng tôi đặt ngồi vào xe và đẩy tôi đến lớp của tôi. Bà tìm chỗ để xe của tôi gọn gàng đâu đấy, bà mới đi đến lớp của bà. Tan học, bà chạy đến lớp tôi, lại bồng tôi ngồi vào xe, lại đẩy tôi đến chỗ đậu xe, lại nhẹ nhàng bế tôi đặt ngồi cạnh ghế tài xế của bà rồi thứ tự xếp xe lăn lại, vác xe lăn cất vào thùng, đóng cửa, sau cùng bà ngồi vào ghế làm tài xế chở tôi về nhà.
Về đến nhà, bà để tôi ngồi y trong xe. Việc trước tiên, bà đem cặp sách của tôi và của bà lên lầu, sau đó mở sẵn cửa phòng để xuống đất bồng tôi ì ạch đi lên lầu. Bà đặt tôi lên gường, thay quần áo và lại bắt đầu làm tiếp công việc trong nhà.
Mẹ tôi học nhiều lớp hơn tôi cho nên sau khi lo đầy đủ cho tôi, bà phải đi học thêm một lớp nữa. Có những hôm mưa phùn gió bấc, hai mẹ con tôi phải chịu lạnh, chịu ướt đi học để đến lớp cho đúng giờ. Nhằm mùa không có lớp ban ngày trùng giờ học, hai mẹ con phải chọn lớp đêm để học. Vào mùa đông, mỗi tối tan trường trời lạnh như cắt, hai mẹ con run cầm cập, thế mà mẹ con tôi cũng phải mở máy lạnh cho kiếng trong xe hết mờ mới thấy đường lái xe về nhà.
Có lần tôi những tưởng đã mất mẹ vĩnh viễn khi bà bị một tai nạn xe hơi rất nặng giữa xa lộ 163 làm bà gãy chân và bể đầu rồi bất tỉnh. Tưởng mẹ tôi đã chết trong xe, người gây ra thảm trạng cho mẹ tôi bỏ chạy trốn mất. Ấy thế mà, sau bảy tiếng đồng hồ phẩu thuật, vừa hồi tỉnh, điều mẹ tôi quan tâm đầu tiên là: ''Triệu đâu? Con tôi vẫn bình yên chứ?" Và từ đó mẹ tôi lại mang thêm trong chân người những chiếc vít inox mà những lúc trái gió trở trời thường làm mẹ tôi nhức nhối khổ sở. Những lúc ấy, tôi thương mẹ quá. Mẹ ơi, mẹ hiền của con ơi. Mẹ là trái tim vĩ đại ngàn đời.
Suốt 6 năm trời vất vả như thế trên con đường trau dồi kiến thức, tôi đã tốt nghiệp với mảnh bằng Associate of Art ngành Computer Information Science hồi tháng 6 năm 2000. Mảnh bằng này tuy đơn sơ, khiêm tốn nhưng đã được làm bằng biết bao mồ hôi và nước mắt hoà với những nhiên liệu cao quý là gian lao khó nhọc của mẹ tôi. Bằng thực tế, bà đã dạy thêm cho tôi bài học vượ khó và ý thức vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Nhưng rồi bệnh tình của tôi ngày càng trầm trọng, sức khoẻ tôi càng suy sụp. Bệnh Muscular Dystrophy đã làm cho hai buồng phổi của tôi ngày càng teo lại, làm tôi ngộp và khó thở, rất nguy hiểm. Tôi được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ đã khuyên tôi phải lựa chọn ngay một trong hai giải pháp: hoặc không cần sự can thiệp của khoa học, chấp nhận sự rủi ro sẽ đến bất cứ lúc nào, hoặc phải mổ chỗ cổ, đặt ống gắn máy để trợ giúp cho sự hô hấp của tôi. Như vậy mối hiểm nguy sẽ bớt đe doạ và sự sống của tôi sẽ được kéo dài thêm. Và tôi đã chấp nhận sống nhờ vào máy thở.
Mười giờ sáng hôm đó tôi nhập viện. Mẹ tôi đã khóc và ôm hôn tôi rồi trao cho hai bà y tá đẩy tôi vào phòng mổ. Còn người xuống dưới lầu, đến phòng chờ đợi ngồi đếm thời gian từng phút chậm trôi. Người bồn chồn đứng ngồi không yên. Một giây trôi qua lúc này dài như cả một thế kỷ đối với người. Tình mẹ đã thôi thúc người thành ngớ ngẩn vì tôi!!
Trước khi mổ, người đã phải ký giấy bằng lòng mọi tình huống có thể xảy đến với tôi, hoặc là tôi được bình yên, hoặc là tôi sẽ ngủ trong ca mổ mà không bao giờ thức dậy. Người chỉ còn biết cầu nguyện rồi phó thác và xin vâng theo thánh ý Chúa mọi điều. Tuy vậy, người vẫn hồi hộp và lo sợ bị mất tôi vì ''tôi là lẻ sống của ngươi'', người nói thế. Cả cuộc đời người đã khóc biết bao nước mắt cho tôi, đứa con kém may mắn nhất của người.
Năm tiếng đồng hồ đã trôi qua. Cô y tá dùng máy phóng thanh gọi mẹ tôi lên lầu. Vừa trông thấy tôi, ánh mắt người ngời sáng vì người hiểu ngay rằng người vẫn còn tôi như ngày nào. Người âu yếm vuốt tóc tôi như chia xẻ, như cùng gánh vác những nỗi đau với tôi. Người nghe lòng nhẹ nhõm, sung sướng đón tôi như sinh ra tôi lần thứ hai trong đời. Bao mệt mỏi của người như tan biến. Núm ruột của người vẫn còn đây và cuộc đời người tưởng đã cạn kiệt nguồn vui lại được đong đầy ý sống. Người sẽ còn được tiếp tục yêu thương ấp ủ tôi trong vòng tay ngọt ngào ấm áp tình mẫu tử.
Thấy người vui mừng tôi cũng phải cố nén mọi đau đớn thể xác để nở nụ cười mà tôi biết đang rất cần thiết cho người lúc này. Nhưng có lẽ thuốc gây mê còn ảnh hưởng nên nụ cười của tôi vẫn không xoá đi được những lo âu sợ hãi mất tôi trong những phút lâm nguy trước đó. Người ôm lấy tôi, tôi thấy vai người rung lên và người cố giấu đi những giọt nước mắt vừa mừng con thoát nạn, vừa như tủi cho số phận quá bất hạnh của đứa
con mình. Tôi muốn ôm chặt lấy người mà nước mắt trào ra không cưỡng lại được: Mẹ ơi, mẹ có biết con yêu mẹ lắm không?
Ôi! Tình mẹ bao la quá! Mẹ ơi!
Thế là cuộc đời của tôi đã chính thức sống nhờ vào máy móc. Tôi đau đớn quá vì một vật lạ luôn nằm trong cổ nối vào khí quản của tôi. Tôi đã mòn mỏi và đau khổ không những vì tôi đã đem đến cho mẹ tôi biết bao là vất vả và lo lắng suốt 34 năm rồi mà còn khổ sở và khó nhọc vì tất cả ăn, uống, thở và sinh hoạt của tôi đều nhờ vào máy móc. Mỗi cử động dù nhỏ như cựa mình, co duỗi tay chân đều làm tôi đau đớn khôn cùng và phải nhờ mẹ tôi giúp đỡ. Tôi như nằm trên bàn chông nơi tù ngục. Tôi đã tuyệt vọng vì thân xác quá đau và tâm hồn vô cùng thác loạn. Tôi không muốn sống nữa. Tôi có ý định giã từ cuộc đời, giã từ tất cả để ra đi. Đã ba mươi bốn năm rồi, nằm trong vòng tay êm đềm của mẹ, tôi nghĩ đã quá đủ cho tôi trở về cát bụi. Tôi bày tỏ cùng mẹ ý định của tôi.
Người ôm chầm lấy tôi, vội vàng như sợ tôi thực hiện ý định. Người nghẹn ngào, nức nở qua làn nước mắt: "Con đi rồi mẹ biết sống cùng ai, biết sống cho ai nữa! Con đi rồi còn ai để mẹ nâng giấc ủi an! Ai sẽ cho mẹ những giây phút dịu dàng hạnh phúc và hy vọng dù rất hiếm hoi để cùng nhau đi nốt đoạn đường đời cay nghiệt! Triệu ơi ! Mất con rồi đời mẹ thành vô nghĩa. Lạc lối về mẹ mất cả ánh sao đêm hy vọng. Đừng bỏ mẹ bơ vơ trơ trọi giữa đường đời vốn đã nghiệt ngã với mẹ con ta. Triệu ơi, hãy vì mẹ can đảm lên mà sống! Mẹ dìu con, con tựa mẹ đỡ nâng nhau".
Lòng đau xót và tim tôi như thắt lại. Tình thương mẹ dâng đầy cao chất ngất. Tôi cũng nức nở như chưa bao giờ được khóc trong đời. Tôi phải sống! Cho dù tôi tàn tật; cho dù tôi đau yếu nan y nhưng có tôi mới làm cho nụ cười còn đọng mãi trên môi của người. Sự sống là cao quí. Cuộc đời dù là bất hạnh hay cùng khổ cũng đều có ý nghĩa vị tha và rất cần đức hy sinh cùng lòng hiếu thảo Mẹ ơi! Hai hàng lệ của mẹ hoà với nước mắt tôi như làm thành tờ giao ước của hai mẹ con đã bằng lòng gắn bó đời nhau cho đến ngày Chúa gọi.
Tôi phải sống vì mẹ như mẹ đã từng sống vì tôi!
Tôi biết lòng người thành tan nát mỗi lúc nhìn tôi và lòng tôi cũng nát tan khi thấy người nước mắt mãi lưng tròng!
Có thật hồng nhan là đa truân? Có thật định mệnh đố kỵ muốn làm chết đuối "người trên cạn mà chơi"? Ôi, định mệnh! Định mệnh sao trớ trêu! Định mệnh đã dành riêng cho mẹ tôi toàn những bất hạnh gian truân. Người phải tảo tần, vất vả, dãi nắng dầm mưa khi tuổi đời còn quá trẻ để một mình nuôi dạy tôi và ba đứa em thơ dại của tôi. Người đã bất chấp mọi gian nan, khốn khó và hiểm nguy đến tính mạng để đem lại hạnh phúc ấm no cho chúng tôi. Mẹ tôi nào có tội tình gì mà suốt đời phải sầu khổ? Ôi! Mẹ hiền của tôi, một người mẹ không hề có giao ước nhưng tận tụy và cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho con. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi nhớ đến câu danh ngôn "Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi nên Ngài phải sinh ra những người mẹ". Và tôi liên tưởng đến Đức Mẹ Maria đã phải chứng kiến những nhục hình tra tấn của quân dữ trước giờ Jesus, con một của Người bị đóng đinh trên thập giá.
Còn mẹ tôi, cũng khổ đau không kém gì Mẹ Maria vì bà suốt đời xót xa nhìn đứa con trai đầu lòng duy nhất của mình hằng ngày phải chịu khổ hình trong bệnh tật.
Không giấy bút nào tả xiết và tôi cũng không đủ khả năng để nói lên được lòng can đảm và sự chịu thương chịu khó kiên trì cùng trái tim đầy ắp yêu thương nhân hậu của mẹ tôi. Tôi chỉ biết yêu mẹ bằng luỹ thừa tình yêu mẹ mỗi ngày và sống, dù là sống nhờ mẹ và máy móc quanh người, cũng phải sống theo lời dạy bảo của người: phải sống sao cho đúng nghĩa CON NGƯỜI. Phải sống để chữ NGƯỜI luôn được viết hoa. Phải sống như cây tùng cây bách dãi dầu nắng mưa giông bão cuộc đời. Phải mến Chúa yêu Người ...Vì hễ ta đong đấu nào cho ai, ta sẽ được đong lại đấu ấy gấp bội.
Giờ đây cuộc sống của tôi đã an bài theo máy móc cùng với tình yêu lai láng của mẹ tôi, mặc dù, sức khoẻ của tôi không được hoàn toàn như tôi mong ước nhưng củng tạm đủ đem lại cho mẹ tôi một nguồn sống thần tiên mong manh bên tôi và xoá đi những nụ cười héo hắt trên đôi môi nguời.
Tôi xin cảm ơn Trời. Cảm ơn đời. Cảm ơn người mẹ hiền vĩ đại của tôi đã nâng tôi vượt qua những ngày khổ nạn, đã cho tôi mọi ngày vui và đã dạy tôi thành Người có ích. Mẹ tôi, người đàn bà duy nhất đã hy sinh cho tôi và chung thuỷ với tôi suốt cả cuộc đời này.
Mẹ tôi quả là dòng suối dịu hiền, là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là ánh đuốc trong đêm, là vốn liếng yêu thương, là buồng chuối ba hương, là xôi nếp mật, là đường mía lau. Và với tôi trong tất cả những kỳ quan của thế giới, kỳ quan đẹp đẽ nhất và bất chấp thời gian vẫn là trái tim của người mẹ
Minh Triệu
2002