HỘI NGỘ “Một Thời Áo Trắng” ngày 7 tháng 10, 2012
Năm Phút của cô Thu Lê với người Lê văn Duyệt Kính thưa quý vị quan khách,
Kính thưa quý thân hữu và các cựu đồng nghiệp,
Cùng các em cưu NS Lê văn Duyệt,
Thông thường thì mỗi khi có một buổi họp mặt như thế này, các em thường có ý trông chờ một trong ba chúng tôi _ba giáo sư Cố Vấn_ lên đây ngỏ lời với các em. Tôi thì thường là dựa dẫm vì tôi đã có hai bà chị -cô Ngọc Mai và cô Ngô Vân đây- để làm công việc đó. Lần này, các em lại muốn cả 3 cô lên đây để trình diện, có lẽ là vì nghĩ buổi hội ngộ lần này thật đặc biệt vì có khá đông đủ các thầy cô, bạn bè và các em cưu NS ở các nơi về tham dự, có những người mà tôi không gặp cả 40 năm nay. Nghĩ đến chủ đề “Một Thời Áo Trắng” của các em, tôi thấy hơi “khớp” vì tôi mang tâm trạng của các em ngày xưa lên trả bài các thầy cô, chỉ có khác là tôi không mặc áo trắng hay áo xanh. Vậy xin phép quý vị cho tôi một vài phút để nói chuyện (chứ không phải trả bài) với các em .
Các em đã sẵn sang nghe tôi nói chưa ? (…………….)

Hội LVD của chúng ta thành lập năm 1991, đã được hơn 20 năm. Sự có mặt và tồn tại của Hội nói lên một nhu cầu không thể thiếu được của những người LVD tha hương., mà chúng ta đã gói ghém trong 4 chữ ngắn gọn “Ái Hữu và Tương Trợ” làm tôn chỉ của Hội. Gọi là“Ái Hữu” bởi vì chúng ta cần một chỗ để tìm về, để nghỉ ngơi, gặp lại thầy cũ bạn xưa, ôn lại những kỷ niệm một thời áo trắng, cùng chia sẻ những vui buồn của cuộc sống hiện tại. Nơi này có hình ảnh của một quê hương, một văn hóa Việt với thình thầy trò, nghĩa tôn sư trọng đạo, tình gia đình và tình bạn bè thắm thiết. Gọi là “Tương Trợ” bởi vì chúng ta đã tìm đến nhau, thương mến nhau, thăm hỏi và hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho nhau, nhất là thăm hỏi các thầy cô bạn bè còn ở quê nhà.

Có hai điểm đặc biệt của hội Ái Hữu trường NTHLVD mà cô muốn các em lưu ý:
1) Hội Lê Văn Duyệt của chúng ta, nói cho đúng thì cũng như các hôi đoàn của các trường VN khác, nều so sánh với các trường Mỹ, trong văn hóa Mỹ thì khác rất nhiều. Tôi lấy một thí dụ: Tôi chỉ dậy trường VN, trường LVD có 10 năm mà 37 năm nay tôi vẫn gặp lại các cựu đồng nghiệp, bạn bè , và rất đông các em nữ sinh; trong khi tôi dậy 25 năm ở trườn Mỹ mà thú thực cho đến bây giờ tôi chưa đi dự một buổi hội ngộ, một reunion nào mà có cả thầy lẫn trò.
2) Hội LVD của chúng ta, nếu so sánh với các hội đoàn bạn thì cũng khác: Trong hầu hết các sinh hoạt của hội đều có mặt của cả thầy lẫn trò trong khi các hội đoàn bạn thì ít có. Thầy trò chúng ta gặp nhau rất thường, vui chơi ca hát, làm việc nghĩa, thăm hỏi, trong tinh thần cởi mở, tự nhiên trẻ trung, thân thương như một gia đình. Tôi phải giới thiệu với quý vị web LVD, gọi là levanduyet.com, không khác gì một ngoi trường xưa có đủ các lớp học. Các LVD từ khắp các nơi trên thế giới gặp nhau ở đây, tìm thầy tìm bạn, làm văn làm thơ, dịch thơ, ca hát, tâm sự, chia sẻ kỷ niệm cũ..v.. Là một đại gia dình thì tất nhiên là có những ý kiến khác nhau nhưng các em luôn luôn giải quyết được trong sự thông cảm, tôn trọng ý kiến của nhau, trong sự hiểu biết, thương yêu, và đoàn kết, vì HỘI và CHO HỘI.

Cô ước mong các em tiếp tục hoạt động, lớp lớn di lớp trẻ đến, mỗi người góp một bàn tay gìn giữ hội cho được vững mạnh. Để chấm dứt, cô xin kể một câu chuyện ngắn, chuyện giáo dục của Mỹ, nhưng có thể áp dụng cho chúng ta:
Có hai cô đi trên một khinh khí cầu. Hai cô này chẳng phải là khoa hoc gia hay nghiên cứu gì, chỉ là muốn phiêu lưu thám hiểm. Đi láng cháng một lúc thì lạc không biết mình ở đâu cả. Hai cô bèn bảo nhau hạ thấp khinh khí cầu xuống khi nhìn thấy một đám đông ở phía dưới. Khi tới gần mặt dất, hai cô hỏi: “Chúng tôi ở đâu vậy?” (Where are we?)
Nhưng người dưới đất nhìn lên thấy hai cô, lại không trả lời câu hỏi của các cô mà hỏi lại:
“ Thế các cô đang muốn đi đâu?” (Where are you going?”)
Hai cô nhìn nhau ngơ ngác(mình có định cái gì đâu?) : “Chúng tôi cũng không biết nữa.” (We don’t know.”)
Lúc đó ở đưới có một người nói rất lớn (người này chắc có thể là 1 giáo sư LVD đã về hưu!) cho các cô nghe “Nếu các cô không biết mình đi dâu thì cần gì biết mình ở đâu?” (If you don’t know where you are going, then it doesn’t matter where you are.)
Tại sao tôi kể chuyện này cho quý vị và các em nghe? Tôi chỉ muốn nói rằng các em cựu NS Lê văn Duyệt thân mến của tôi hoàn toàn không giống hai cô này. CÁC EM BIẾT MÌNH Ở ĐÂU, CÁC EM BIẾT MÌNH MUÔN GÌ, CÁC EM BIẾT MÌNH ĐANG ĐI VỀ ĐÂU VÀ SẼ PHẢI LÀM GÌ CHO HỘI AHTH LÊ VĂN DUYỆT.
Xin cảm ơn quý vị và các em.
THU LÊ (7-10-2012)