thule
Gold Member
   
Offline

Thành Viên Xuất Sắc *Năm 2010*
Posts: 3836
|
BÀI NÓI CHUYỆN CỦA BÀ NGUYỄN HỒNG NHIỆM, CỰU GIÁM HỌC TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC LVD, TRONG ĐÊM ĐẠI HỘI 7/10/2012
Mến gửi Ban Tổ Chức Đại Hội Lê Văn Duyệt 2012,
Cô thành thật xin lỗi vì đã làm các em thất vọng. Cô rất tiếc không được biết trước sự sắp xếp chương trình, chỉ nghe em Mai Phạm nói “Cô muốn nói gì cũng được”, nên cô định diễn hài để tạo không khí vui nhộn trước khi vào đề, không ngờ nó quá dài làm cản trở chương trình. Thôi thì cô xin các em cho đăng nguyên văn bài cô đã soạn để khi các em rảnh rang ngồi đọc cho vui và để cho cô đền tội vì đã làm hỏng chương trình đêm đại hội. Những em nào muốn cười cho quên đi những bực mình trong cuộc sống hằng ngày, hãy tìm đọc hồi ký của cô, tựa : A Dragon Child: Reflections of a Daughter of Annam in America, do IUniverse xuất bản năm 2004. Có thể vào www.iuniverse.com, mua ebook, giá $6.00. Bảo đảm đọc không cười không lấy tiền.
Bài nói chuyện trong đêm Đại Hội LVD, Chủ nhật, 07 tháng 10, năm 2012
Quý vị ơi, quý vị có thấy em không? Không!
Nhưng mà em thấy quý vị rõ lắm, từ trước ra sau, từ trái sang phải. Em phải cám ơn chị Mai, phó hội trưởng, đã cho phép em lên đây. Đứng trên bục cao nên em mới thấy quý vị đó. Em xin phép quý vị để nói sơ qua về tiếng Việt của chúng ta với giọng của ba miền khác nhau. Tiếng Việt của chúng ta có giọng nam, giọng trung và giọng bắc. Em rất mê giọng bắc vì em nghe nó êm tai lắm và người bắc phát âm rất chuẩn. Ngày em về làm dâu nhà Cụ Bảng Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, em phải học ăn học nói, học giọng bắc, chứ không dám nói tiếng tây bừa bãi như lúc còn đi học ở Couvent des Oiseaux. Vậy mà giờ đây rất tiếc em không còn nói được giọng bắc nữa. Thôi thì em đành trở về nguồn, nói giọng Kontum, Kontum miền cao nguyên xứ thượng đó. Quý vị nghe xin đừng chê.
Quý vị ơi, em được sinh ra dưới một ngôi sao xấu, mẹ sinh em ra trên một chiếc đò đang băng qua dòng sông Dakbla, trời tối đen như mực, xung quanh chỉ có ánh sáng lập loè của mấy con đôm đốm! Lúc đò cặp bến, khách đi đò thương tình khiêng mẹ con em vào nhà thương. Cô mụ (cô đỡ) bồng em lên và tuyên bố: “Chui cha, tui hổng có thấy con mèo nào đẹp bằng con mèo đẹt này!” Thế là em đã được đặt tên “Con Mèo Đẹt.” Cô mụ đặt em lên cân, “chèn đét ơi, chỉ nặng có 1 ký lô rưỡi thôi!” Ra khỏi nhà thương, 3 ngày sau ba em đưa em đến nhà thờ rửa tội, và vì nhớ đến cái đêm đầy đôm đốm (tiếng pháp là lucioles) nên đặt tên em là Luxia Nhiệm (lux là ánh sáng, nhiệm là nhiệm mầu, đẻ rớt trên đò mà không chết cứ sống, đó là phép nhiệm mầu!) Lớn lên, mẹ bắt em phải ăn thật nhiều cơm cho chóng lớn, cơm chỉ ăn với cá khô mặn hay thịt heo muối mặn làm sao em lớn cho nổi hả quý vị? Em bèn nghĩ ra chuyện tập thể thao may ra có cao thêm phân nào không, em trèo cây cau, cây dừa, cây mít trong vườn nhà em, em trèo luôn cả mái nhà ông hàng xóm (để ăn cắp chuối ông ta phơi khô trên đó!). Em cố gắng mãi cũng chỉ được có một thước mốt thôi. Em đứng còn thấp hơn người ta ngồi. Đi đâu, đứng đâu, em cũng chỉ thấy người ta từ bụng trở xuống, chưa bao giờ được diễm phúc thấy phần trên với những khuôn mặt đẹp đẽ, dễ thương như gương mặt của toàn thể quý vị ở đây. Khi em học ở tiểu học, cứ đến giờ ra chơi thì mấy anh trai nhỏ bên trường nam tiểu học chạy sang và cứ lẻo đẻo theo em và gọi “con vịt đẹt của lòng anh ơi!” Lên đến trung học Pháp thì các soeurs gọi em “Lucie Nhiệm.” Qua bên Mỹ thì sinh viên Á châu gọi em là “Dr. Lúcỳ”, sinh viên Mỹ thì gọi “Dr. Ngu…Ngu..uyen”, tạm dịch là “Dr. Stupid Bird”. Chỉ cái tên thôi mà em đã phải trải qua bao nhiêu đổi thay, quý vị thấy em có đớn đau không?
Để em kể cho quý vị nghe 2 mẫu chuyện, có thật một trăm phần trăm, trong 75 năm cuộc đời của em.
Cách đây 3 tuần, em ốm mà phải cố lái xe đi bác sĩ, em lái chậm chậm, bỗng nhiên nghe cảnh sát huýt còi, em từ từ cặp lề, dừng xe lại, mở cửa sổ xuống, chào thầy cảnh sát một cách rất lễ phép. Chui cha thầy cảnh sát trẻ măng, đẹp trai quá chừng! Em hỏi: “Thưa thầy tôi đã phạm lỗi gì?” Thầy cảnh sát chào hỏi rất lịch sự, sau đó phát lên cười, thầy nói: “Tôi xin lỗi bà, tôi thấy xe chạy chậm lại cứ vẹo qua vẹo lại, không thấy người lái nên tôi tưởng một trẻ nào đó đã ăn cắp xe của bố mẹ để chạy thử. Nhưng tôi lầm to, không phải trẻ mà là bà cụ! Tôi thành thật xin lỗi bà, và xin bà cứ tiếp tục đi.” Chui cha, mình đang ốm, người đang khó chịu mà cũng phải bật cười. Đi ngược dòng thời gian trở về quá khứ xa xăm, cách đây 30 năm, khi mới bắt đầu nghề gõ đầu trẻ (quên, ở Mỹ không có nghề này, vì gõ đầu trẻ là nó kêu cảnh sát!), khi mới bắt đầu dạy ở đại học công lập của tiểu bang Massachusetts, việc đầu tiên là em tìm đến giảng đường của tòa nhà nơi em dạy, bước vào là em khiếp vía vì cái bục giảng nó cao to làm sao!!! Em biết thân nên về đi mua một cái ghế đẩu cao 3 tấc, đem cất kỹ trong một túi xách thật kín, và cứ mỗi lần phải ra giảng đường là em xách cái ghế theo. Lần đầu ra giảng đường để trình bày cho các giáo sư và sinh viên một đề tài về bài viết của mình, em đi sớm, dấu cái ghế sau bục giảng. Đến giờ nói chuyện, em từ từ (vì mang giày cao gót) tiến tới bục giảng, đứng sau bục giảng em chẳng thấy gì hết, ráng ngửa mặt lên microphone đang lơ lửng trên không, em hỏi lớn: “Quý vị có nghe được tôi không?” Có. “Quý vị có thấy tôi không?” Không! Chui cha, tiếng không vang dội khắp giảng đường! Em bèn nói: “ Xin quý vị kiên nhẫn một chút, quý vị sẽ được thấy tôi.” Thế là em kéo cái ghế ra, bước lên, từ từ nhô đầu lên, đến khi nhô lên tới được bả vai thì tiếng vỗ tay lại vang dội khắp giảng đường! Quý vị thấy không, em chưa trình bày bài của mình mà đã được vỗ tay khen ngợi rồi! Bây giờ đã về hưu em không cần cái ghế quý báu ấy nữa, vị nào cao như em muốn giữ nó làm kỷ niệm, xin cho biết, em sẵn sàng tặng ngay. Các em cựu học sinh, người ta thường nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò phải không? Nhưng cô học trò cao lớn này thì còn hơn quỷ ma, “nhất trò rồi mới đến quỷ ma,” và thứ học trò này xứng đáng mang danh hiệu “Quỷ sứ Lucifer”. Em Mai, em nói cô là cô giám học nghiêm khắc đã phạt em, em thấy em lầm chưa?
Quý vị ơi, nếu Luther King nói “I have a dream” thì em cũng có thể nói “Tôi có một giấc mơ, giấc mơ thật to lớn. Tôi mơ ước được cao ráo, xinh đẹp như cô Hiếu Tâm, cô Thu Lê, cô Ngoạn và nhất là cô Ngọc Mai. Nhưng tôi biết khó lắm nên tôi thu hẹp ước mơ của mình lại và chỉ xin được cao cỡ cô Ngô Vân là tôi hả dạ lắm rồi.”
Thôi nãy giờ nói chuyện để quý vị cười cho vui và cảm thấy đói bụng, chốc nữa sẽ ăn ngon. Bây giờ thì tôi xin nói chuyện một cách nghiêm túc.
Trước hết tôi kính chào quý quan khách và bạn hữu của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh LVD, cũng xin kính chào quý thầy cô LVD, và thân mến chào các em cựu nữ sinh LVD và gia đình.
Tôi rất xúc động khi được gặp lại quý vị sau 37 năm xa cách. Tim tôi đang đập rộn ràng, loạn xạ, nó sắp ngưng đập đấy. Nhìn thấy quý thầy cô tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn phong độ lắm, thấy các em cựu nữ sinh nay đã là những vợ hiền, những bà mẹ gương mẫu, những công dân Việt Mỹ rất thành công, bao nhiêu nữ bác sĩ, nữ nha sĩ, nữ dược sỹ, nữ luật sư, nữ kỹ sư, đang hiện diện nơi đây! Tôi cảm thấy hãnh diện và sung sướng đến tột cùng. Các thầy cô chắc cũng phải hãnh diện vì nhờ công lao dạy dỗ của mình mà mấy em mới có ngày hôm nay.
Tôi có lời khen tặng Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh LVD và Ban Tổ Chức Đại Hội. Các em đã bỏ nhiều công sức và thì giờ để đem lại cho đại gia đình LVD những ngày thật vui, thật nhiều ý nghĩa. Việc tổ chức hoàn hảo đã gây nhiều ấn tượng tốt đẹp trong tôi.
Nhân đây tôi cũng xin quý vị cùng tôi dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến Bà Trần Hoàng Mai, nguyên hiệu trưởng LVD và em Thanh Tâm, sáng lập viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh LVD và là Hội trưởng đầu tiên của Hội.
Sau cùng, tôi thành tâm cầu chúc Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh LVD ngày càng phát triển, số thành viên ngày càng cao, và có can đảm tiếp tục việc làm bổ ích của mình để gây tình đoàn kết và lòng nhân ái biết tương trợ lẫn nhau.
Xin chúc tất cả quý vị hiện diện một bữa ăn ngon và một đêm thật vui.
Kính chào, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nhiệm University of Massachusetts at Amherst Cựu Giám Học Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt, Gia Định
P.S. Cô gửi lời cám ơn “Lục Lăng Công Chúa” của cô (Kim Định, [Kim] Kiều, Kim Kiểm, Kim Liễu, [Kim] Oanh, Kim Thanh). Cô tung trò hứng nhịp nhàng thật là hạnh phúc!
|