Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Hồi Ký (2015)  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 ... 22 23 24 25 26 ... 28
Send Topic In ra
Hồi Ký (2015) (Read 44280 times)
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #345 - 05. May 2018 , 12:42
 
"Một Cõi Đi Về"
      Cách đây ít lâu, trong một bài viết, tôi ngậm ngùi tiếc nuối cho nhạc sỹ Phạm Duy,  một người có tài nhưng mắc nhiều tật... nên đồng hương đã không chấp nhận cho là người cùng phe. Dù đã tặng cho đời cả một gia tài đồ sộ gồm nhiều tác phẩm giá trị, nhưng khi nằm xuống đương sự cũng không được thế gian ưu ái tiễn đưa một cách trân trọng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong khi đó, nhạc sỹ Việt Dzũng, về vài khía cạnh, chỉ xứng đáng là một đàn em thì lại được nhiều người khóc than thương tiếc, tổ chức đám tang thật lớn. Lý do là đương sự đã phấn đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền không mệt mỏi cho đến cuối cuộc đời! Tiện đây, vì ngày rộng tháng dài, tôi xin phép được mạn đàm một chút về nhóm từ: "Tài, Đức, Mệnh" thường dính dáng mật thiết đến một số nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng, nhất là đối với những nghệ sỹ hữu danh.
     Ngày xưa, cụ Nguyễn Du đưa ra thuyết Tài Mệnh tương đố trong chuyện Kiều với hai câu mở đầu: "Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau." Một cách giản dị, nôm na là hễ lắm tài thì yểu mệnh, hoặc không chết sớm thì cuộc đời cũng ba chìm bẩy nổi, nghĩa là vất vả, không ra làm sao cả. Tuy nhiên, tôi lại hân hạnh được đọc truyện Thuý Kiều của Tầu? có hai câu mở đầu như sau: "Trăm năm trong cõi người Ngô. Chữ tài chữ mệnh khéo vồ lấy nhau."🤣 Ối dào, thế nà thế lào hả quý vị? Thôi thì nhân tâm tuỳ thích, ai muốn hiểu sao cũng đặng cả ( xin phép tếu một tí cho vui)
     Bây giờ ta hãy chuyển qua hai từ "Tài và Đức" xem nội dung nó ra sao. Hai từ này nếu đem phân tích mổ xẻ bàn bạc cho rốt ráo thì quả thật tôi không đủ kiến thức và khả năng, chỉ xin bàn sương sương một tí cho vui và cũng chỉ đề cập đến một số nhân vật trong giới nghệ sỹ mà thôi.
     Khi cầm lá phiếu đi bầu, chọn người lãnh đạo cho một nước, một tổ chức xã hội, một đảng phái...v...v...thì vấn đề Tài Đức phải được đặt ra một cách nghiêm túc sao cho hợp lý và quân bình, vì nó ảnh hưởng đến vận mệnh của nhiều người, có khi cả một quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, với các nghệ sỹ, theo tôi suy đoán, thì cái Tài thường được đánh giá là chính, là cốt lõi, còn cái Đức cũng quan trọng nhưng chỉ như gấm thêm hoa thôi. Lý do, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật như một bức tranh, một bản nhạc, một bài thơ...  lúc đó ta đâu có quan tâm đến cái Đức của tác giả! Vả lại theo thế gian thường tình thì cái đẹp dễ đè bẹp cái nết lắm! Thế nhưng đặc biệt đối với phụ nữ, theo thiển ý, cái nết mới thật quan trọng vì nó dịu dàng, ngọt ngào, chung thuỷ, và hy vọng sẽ ở lâu với mình hơn, phải không thưa quý em?  Còn cái đẹp chỉ là ngoại hình vớ vẩn, nó mỏng manh, sương khói và sẽ phai tàn theo thời gian, đâu có gì bền vững. Nói cho rõ, với tôi thì cái nết đánh chết cái đẹp là điều...chắc chắn! Số là kẻ hèn vốn nhát nên khẳng định vô tư như vậy có cái ưu điểm là tránh được nạn xơi guốc từ mọi phía và ...an toàn, mô Phật.
     Văn Cao là một thiên tài đích thực, nếu đem so sánh còn tài hoa hơn Phạm Duy một bậc. Điều này do chính Bố già xác nhận trong một tập Hồi ký. Văn Cao may mắn hội đủ 5 cái sỹ trong người: văn sỹ, thi sỹ, hoạ sỹ, nhạc sỹ và cả chiến sỹ. Đặc biệt cái nào cũng xuất sắc và đã để lại cho thế gian nhiều tác phẩm giá trị. Về lý lịch, Văn Cao thoạt tiên theo kháng chiến chống Pháp giống như mọi người yêu nước khác. Sau đó đã gia nhập đảng cộng sản và chiến đấu cho đến khi kháng chiến thành công.
      Về Hà nội, đương sự tỉnh mộng, cùng một số bạn lập nhóm Nhân văn Giai phẩm, ra báo và đòi tự do sáng tác, chống lại sự kìm kẹp của đảng. Yếu thế, cả nhóm bị trừng phạt: cấm sáng tác và được đưa đi lao động ở những vùng khỉ ho cò gáy. Sau khi đã thân tàn ma dại thì cả lũ được đảng cho trở về nhưng từ đó bị thất sủng.
      Văn Cao qua đời năm 1995 ở Hà nội, hưởng thọ 72 tuổi. Đám tang được tổ chức rất vĩ đại, vòng hoa không có chỗ để đặt. Văn Cao, về chữ Tài thì khỏi bàn, còn chữ Đức thì tuỳ quí vị đánh giá về mọi khía cạnh cho rộng đường dư luận. Phạm Duy thì đã nói hết qua các bài kỳ trước, xin miễn đề cập tới ở đây.
     Bây giờ xin có vài lời về nhạc sỹ Trịnh công Sơn, tác giả ca khúc "Một Cõi Đi Về" mà tôi sẽ hân hạnh mời quý vị cùng thưởng thức ở cuối bài. Trịnh công Sơn là một nghệ sỹ có tài về một loại ca khúc đặc biệt. Các bài hát thường có nhạc điệu êm ái, du dương, lời ca đầy ắp những tình cảm về quê hương, về thân phận con người và đã có thời được mệnh danh là nhạc phản chiến. Gia tài âm nhạc của TCS khá đồ sộ, rất được quần chúng ưa thích và trình diễn dài dài trên khấu cả ở quốc nội lẫn quốc ngoại. Đã có nhiều tác giả viết về TCS, khen chê đều có đủ nhưng riêng ở Mỹ thì đa số là chê. TCS có một lý lịch rất bí ẩn và phức tạp, đọc nhiều chỉ tổ nhức đầu nên tôi xin phép trốn ra cho khỏe. Tuy nhiên cũng có sự đánh giá chung chung của một số người ở hải ngoại. Hình như TCS đã có một thời, ăn cơm quốc gia thờ ma CS? Muốn tìm hiểu chi tiết về quá trình hoạt động của đương sự, mời quý vị kiếm đọc những bài viết và bình luận đầy ắp ở trên mạng. Trịnh công Sơn qua đời năm 2001 tại Sài gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Đám tang khá lớn không thua gì của Văn Cao ở Hà nội năm 1995.
     Nói về sự ưu ái, đầy xúc cảm của các đám tang thì tội nghiệp, chỉ có Bố già là thua thiệt nhất. Khách đến thăm chia buồn chỉ lưa thưa gồm một số it bạn bè và những người ái mộ. Đặc biệt, có cụ Trần văn Khê, bạn già cũng gần tới con số 100, đứng đọc điếu văn khóc bạn rất cảm động. Riêng con rể Tuấn Ngọc, thì mình ên đứng rên rỉ, solo các bài hát của nhạc phụ từ đầu cho đến cuối. Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!
     Thế nhưng, nói cho cùng thì đạo Phật, Công giáo, hay Hồi giáo....Cộng sản hay Tư bản, cuốc ra hay cuốc vào thì cuối cùng cũng rủ nhau cuốc...đất cả, có gì phải than thở phàn nàn? Để chấm dứt bài viết về Tài Đức của một số nghệ sỹ trong cộng đồng, tôi có ý kiến thô thiển như sau: 
     Phần đông các nghệ sỹ hễ có tài thường có tật kèm theo cho...vui. Tài càng đa dạng thì tật càng...phong phú và càng dễ gặp tai nạn vì các cụ có phán: chữ tài liền với chữ tai một vần mà. Nếu ta khó khăn đòi hỏi quá thì cả hai bên đều bị thiệt thòi.  Nghệ sỹ sẽ không có hứng để sáng tác và người đời sẽ thiếu những tác phẩm giá trị để thưởng thức. Thế thì cho vui vẻ cả làng, tự hậu ta hãy coi Tài Đức như hai đặc sản riêng biệt, không bắt buộc phải dính liền mí nhau. Và sau đó thì nhân tâm tuỳ...mạng mỡ, ai thích món nào cứ vô tư xơi món đó cho khoẻ nhá 😂 Đến đây đã cạn lời và hết hơi, xin thân ái chào quý vị, hẹn gặp lại tất cả trong những bài kỳ tới. Trước khi chia tay, để xả bớt stress, mời quý vị thưởng thức ca khúc "Một Cõi Đi Về"  của TCS.    https://www.mediafire.com/download/rr57jegdabyjre6
Nguyễn ngọc Đường




Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #346 - 08. May 2018 , 19:28
 
“Thu ca"
     Nhạc sỹ Phạm mạnh Cương vừa là nhà mô phạm lại vừa là một nghệ sĩ nổi danh. Ông tâm sự, tuy dạy học là nghề tay phải nhưng chính sáng tác ca khúc mới là nghề tôi đam mê và dành nhiều thời gian cho cái sở thích dễ thương này. Hồi còn trẻ ông đã có tâm hồn lãng mạn, thích nghe những bài hát của Đoàn Chuẩn Từ Linh như Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay...qua cái radio cổ lỗ sỹ rẻ tiền. (theo tiết lộ của nghệ sỹ Trường Kỳ).
     Nhạc sỹ sanh năm 1933 tại đất Thần kinh, năm 53 ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm và năm 54 theo làn sóng di cư, đơn thương độc mã vào trong Nam lập nghiệp. Ông dạy các môn Quốc văn, Sử Địa, Triết, lần lượt tại các trường Nguyễn đình Chiểu, Petrus Ký cho đến khi tan hàng vào năm 75. Ông tự học nhạc qua sách vở và ca khúc đầu tay "Mái trường xưa ", sáng tác năm 51 đã được mọi người ưa thích. Tuy nhiên chỉ đến khi nhạc phẩm "Thu ca", ra đời năm 53 tại Hà Nội, ông mới thật sự được người yêu nhạc chú ý.
     Năm 61, trong dịp ra miền Trung chấm thi Tú Tài, ông bị tiếng sét ái tình với cô nữ sinh Như Hảo và sau đó hai người đã kết hôn và ca khúc "Mơ bến Hàn giang" được sáng tác để kỷ niệm cho mối tình thơ mộng. Từ đó người đẹp hăng say tiếp tay với ông thành lập một số các ban nhạc mà chính cô là xướng ngôn viên, trong đó có chương trình truyền hình lấy tên "Phạm mạnh Cương" rất nổi tiếng một thời ở Sài Gòn. Ngoài ra ông còn là người đầu tiên, thành công trong việc thu âm các bài hát được các ca sỹ xuất sắc đương thời thể hiện, đưa vào thương trường dưới nhãn hiệu Trung tâm Tú Quỳnh.
     Sau biến cố 75, gia đình đã sống 5 năm dưới chế độ CS. Và cuối cùng ông tìm cách vượt biên với hai người con năm 80, rồi được định cư tại Canada từ đó cho đến bây giờ.
     Thế rồi định mệnh oan trái đã xẩy ra với gia đình người nghệ sĩ. Năm 83, Như Hảo cùng hai cô con gái được bảo lãnh qua Montreal để đoàn tụ với gia đình, lúc đó gồm tất cả sáu người. Nhưng bất hạnh thay, sau vài năm chung sống, tổ ấm đã tan vỡ, chia tay mỗi người mỗi ngả, cảnh ly biệt thật đáng ngậm ngùi. 
     Sáng tác phẩm của ông khoảng chừng 100 ca khúc, tiêu biểu như: Thung lũng hồng, Mắt lệ cho người tình, Tóc em chưa úa nắng hè...
Riêng bài "Thương hoài ngàn năm", là sáng tác đầu tiên của ông tại miền Nam năm 56. Ngoài ra ông còn xuất bản một tạp chí có tựa đề "Thẩm mỹ" ở Montreal.
Mời quý thân hữu thưởng thức "Thu ca ", nhạc phẩm chan chứa tình cảm của Phạm mạnh Cương.    https://www.mediafire.com/download/d9mk0ev7gft2qvo
Nguyễn ngọc Đường



Back to top
 
 
IP Logged
 
Dau Do
Gold Member
*****
Offline


Quân Sư

Posts: 11591
Thành Phố Phượng Hoàng
Gender: female
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #347 - 09. May 2018 , 08:32
 

Em cám ơn thầy đã chia xẻ với cả nhà  những kiến thức sâu xa về đời sống cá nhân của nhiều nhạc sĩ nỗi tiếng xưa nay.
hoado

thanks.gif   moreflower2
Back to top
 

Triệu người quen, có mấy người thương
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #348 - 09. May 2018 , 12:33
 
Dau Do wrote on 09. May 2018 , 08:32:

Em cám ơn thầy đã chia xẻ với cả nhà  những kiến thức sâu xa về đời sống cá nhân của nhiều nhạc sĩ nỗi tiếng xưa nay.
hoado

thanks.gif   moreflower2

Tôi nhờ có thì giờ rảnh rỗi nên viết cho vui cho mình và cho mọi người để giải trí trong lúc tuổi già. Tôi có đọc bài của Giáo sư Bửu Biền viết về Tục ngữ và Thành ngữ rất hay và có giá trị, nhờ em post trên diễn đàn. Cám ơn em nhiều. Giáo sư Bửu Biền hơn tôi một tuổi, không biết dạo này sức khỏe ra sao?
Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
Dau Do
Gold Member
*****
Offline


Quân Sư

Posts: 11591
Thành Phố Phượng Hoàng
Gender: female
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #349 - 10. May 2018 , 15:24
 
Nguyễn Ngọc Đường wrote on 09. May 2018 , 12:33:
Tôi nhờ có thì giờ rảnh rỗi nên viết cho vui cho mình và cho mọi người để giải trí trong lúc tuổi già. Tôi có đọc bài của Giáo sư Bửu Biền viết về Tục ngữ và Thành ngữ rất hay và có giá trị, nhờ em post trên diễn đàn. Cám ơn em nhiều. Giáo sư Bửu Biền hơn tôi một tuổi, không biết dạo này sức khỏe ra sao?
Đường


Thưa thầy,
Chúng em nhận được email của thầy Bửu Biền hồi tháng 2/ 2018 gởi kèm sách tặng. Và thầy BB cũng có đăng nhập làm new thành viên của d/đ. Do đó em đoán thầy BB vẫn được khoẻ mạnh ạ. Em mong thầy BB đọc được lời hỏi thăm sức khoẻ của thầy và trả lời cho thầy rõ. Em vẫn còn 1 phần của cuốn sách chưa đăng tiếp tục , sách này chúng em nhờ anh Phú De chuyển đổi font chữ , hôm được nguyên bản của thầy BB, tụi em không đọc được vì chúng hiện ra giống tiếng phạn cả  Smiley
Back to top
 

Triệu người quen, có mấy người thương
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #350 - 11. May 2018 , 07:53
 
Dau Do wrote on 10. May 2018 , 15:24:

Thưa thầy,
Chúng em nhận được email của thầy Bửu Biền hồi tháng 2/ 2018 gởi kèm sách tặng. Và thầy BB cũng có đăng nhập làm new thành viên của d/đ. Do đó em đoán thầy BB vẫn được khoẻ mạnh ạ. Em mong thầy BB đọc được lời hỏi thăm sức khoẻ của thầy và trả lời cho thầy rõ. Em vẫn còn 1 phần của cuốn sách chưa đăng tiếp tục , sách này chúng em nhờ anh Phú De chuyển đổi font chữ , hôm được nguyên bản của thầy BB, tụi em không đọc được vì chúng hiện ra giống tiếng phạn cả  Smiley

Cám ơn em đã cho biết thêm chi tiết về Thầy. Tôi sẽ liên lạc với Thầy sau.
Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #351 - 15. May 2018 , 06:29
 
Thương ...vừa vừa! 
     Trong một số bài hồi ký, tôi đã có dịp tâm sự với quý vị về chuyện tình cảm từ lúc còn tuổi học trò, trải dài qua cuộc kháng chiến, khi dinh tê vào Hà nội, rồi di cư vào Nam, lập gia đình, vượt biên qua Mỹ, và hôm nay là khúc chót cho...đủ bộ toàn tập.
     Đây là thời gian được hạnh ngộ với các cựu nữ sinh duyên dáng nhưng hơi khó tính của trường nữ trung học LVD năm xưa với tràn đầy những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống lưu vong nơi xứ Cờ Hoa này. Trước khi vào phần chính của bài viết, tôi mạn phép ôn lại một chút về quá khứ để quý vị nắm được phần nào cái bản chất thật của người Thầy cao tuổi lúc còn tấm bé. Và giờ đây đang thơ thẩn lạc lõng giữa vườn hoa muôn sắc của trường LVD vào những ngày cuối đời. Phần ôn này tôi biết quý vị sẽ chán lắm vì " biết rồi, khổ lắm..." nhưng xin chịu khó chiều tôi một tí để kẻ hèn có dịp luyện trí nhớ cho đỡ mắc bệnh Alzheimer. 
     Hồi còn học lớp Nhất (1943), khi đóng vai chàng công tử "đánh trống" đi xin bàn tay công chúa trong vở kịch "trois jeunes tambours" thì tôi lại yêu luôn người bạn trai đóng vai công chúa giả, dĩ nhiên chỉ là nhớ nhung vớ vẩn. Thế rồi lại dám thương cả người bạn gái xinh xinh của chị Vân, lớn hơn mình cỡ 4,5 tuổi. Số là người đẹp thường dắt tay cho đi chơi chung, thỉnh thoảng lại dúi cho một cục kẹo nougat thơm phức. Thật ra không biết là thương người hay thương kẹo, có lẽ thương cái bàn tay dúi kẹo! Trong vở nhạc kịch "Bồng lai tiên cảnh", mượn xiêm y của cô gái con ông Phán bên hàng xóm để đóng vai tiên nữ, lúc trả đồ lại bâng khuâng nhớ mãi mùi hương. Chao ôi sao nó quyến rũ một cách... kỳ lạ hết biết, xin lỗi tôi không thể diễn tả bằng lời văn phàm tục ở đây được! Tuy nhiên tất cả những sự kiện nói trên chỉ là sự thương nhớ vu vơ của một đứa bé ngây thơ, thường chỉ nặng phần... ẩm thực mà thôi. Đến lúc 18 tuổi mới chớm biết yêu thì lại mắc bệnh "nhát gái". Gặp nhau chỉ biết nói chuyện vớ vẩn, ăn quà, nắm tay rồi...thôi, và kết cuộc là em đi lấy chồng?  vì chờ lâu quá sốt ruột. Đó là mối tình đầu với cô Y tá con ông Trưởng ty Y Tế Bắc Giang.
     Sau khi dinh tê vào Hà nội (1951) lại dan díu cùng lúc với hai nữ sinh chung lớp nhưng cũng chẳng đi đến đâu vì chỉ yêu cái miệng nên các nàng chán bỏ đi lấy chồng hết ráo. Ngoài ra còn cô Tầu, con bà chủ bán nước mắm cạnh nhà, gặp lại thời kháng chiến thì cả hai cùng tứ cố vô thân, cộng lại là "bát cố vô thân", lấy nhau lỡ có con thì ai nuôi? thế là đành lờ đi cho tiện việc... Chưa hết, còn vương vấn mí em "cứu thương", đương độ trăng tròn xinh như mộng, học khoá huấn luyện mà chính tôi hân hạnh được là giám đốc. Số là chồng nàng lúc đó còn nhỏ xíu mới có lên mười do nạn " tảo hôn", mà không hiểu sao tôi lại nhát không dám ra tay nghĩa hiệp để xông vào cứu nàng. Ngẫm lại thì ra tôi vừa sợ cụ Khỗng, lại ngán xơi củi tạ của người nhà nên đành rút lui cho an toàn xa lộ.
     Nói cho ngay, về bệnh nhát gái có lẽ tôi hơi giống nhạc sỹ Văn Cao theo đánh giá của bố già Phạm Duy. Trong tập hồi ký thời kháng chiến, Bố già phán là Văn Cao không bao giờ dám tỏ tình trước với phụ nữ cả. Cụ thể là trong ca khúc "Buồn Tàn Thu", tác giả chỉ dám "kề má say sưa" với em, tính ra còn nhát hơn tôi một bậc. Quả thật hồi đó, ở quán trọ bên bờ sông Máng (1947) tôi đã dám "cọ má trong đêm" mí em rồi. À mà nếu so với bố già PD thì cả hai chúng tôi đều nhất trí xin vái cả nón vì Bố già vốn nổi tiếng là vô địch về cái món...này từ thời kháng chiến chống Tây cơ đấy. Đến đây phần mở đầu của bài viết đã hơi dài, tôi xin chấm dứt bằng cách tự đánh giá về con người phàm tục của mình như sau: 
     Bản chất tôi là thật thà và nhát. Giao du với phái nữ, tình cảm không có chiều sâu, chỉ nồng nhiệt lúc ban đầu nhưng lại nhạt phai theo thời gian. Hồi kết cuộc thường bẽ bàng, các nàng rủ nhau đi hết, bỏ lại tôi sống mình ên cho đến khi phải sử dung chiêu "liều" mới lấy được vợ. Theo thiển ý, vợ chồng đúng là do duyên số. Lý do chính không phải tại tôi quá tệ, thiếu người thương mà chỉ vì tính ham vui nhưng lại mau quên. Tật xấu này đối với phái yếu là không thể tha thứ được. Kết quả là các Nàng đang thương bèn chuyển ngay thành ghét mấy hồi. Nhưng cũng may mắn, nhờ cái tính "thương...vừa vừa" này mà tôi đã... lấy vợ trễ, đỡ phải ngủ với giun trên rừng Việt Bắc và hôm nay mới có cơ hội được hầu chuyện với quý vị. 
     "Những người đẹp đi qua...Nhà tôi". Cũng xin minh định thật rõ là "Nhà" chứ không phải "Đời" đâu nhé. Viết lầm có thể khăn gói ra đường ngủ đấy 😋.
      Từ hồi dọn nhà ra ở riêng, được cô con gái út cho tạm trú tại tỉnh Hawthorne, hai đứa tôi đã có duyên được nhiều thân hữu, học trò đến thăm trong không khí của một đại gia đình rất vui vẻ, đầm ấm. Nào là những buổi họp mặt ăn Tân gia, Lễ Hội, sinh nhật, văn nghệ bỏ túi...được tổ chức liên miên và vui nhộn như Tết. Thú thật hai đứa tôi và đặc biệt riêng tôi, rất hạnh phúc được mọi người thương mến chiếu cố dài dài, âu cũng là do cái duyên cả. Đến đây tôi có thể nói một cách chừng mực là gần như cả Hội Ái Hữu CNSLVD, nhất là quý hội viên sinh sống ở quận Cam đều đã có dịp ghé qua nhà tôi không it thì nhiều. Hội hè đình đám gặp nhau thường dĩ nhiên không tránh khỏi những điều bất như ý, tình cảm lên xuống khi vui khi buồn và cũng chỉ là chuyện đời thường mà thôi. Quý đệ tử lại thăm tệ xá thường chia thành từng nhóm, có tần số hợp nhau để vui chơi chuyện trò tự nhiên như trong một nhà. Có một điều đáng quý là tuy các nhóm đôi khi có những ý kiến dị biệt không được thuận thảo với nhau, nhưng đối với chủ nhà thì lại rất dễ hoà nhập, đặc biệt là với hiền thê của tôi. Ngọc vốn là người hiếu khách, tôn trọng, quý mến các em như nhau, không làm mất lòng ai và điều này làm tôi rất sung sướng và hãnh diện. 
"Thương nhau...vừa vừa"
     Các tôn giáo lớn trên thế giới như đạo Phật, đạo Công giáo, đạo Allah?...v...v... nói chung thường khuyên các tín đồ phải có lòng từ bi, bác ái với tất cả mọi chúng sanh. Riêng với đạo Allah thì tôi không nắm vững nội dung nên không dám lạm bàn, sợ mất chỗ...đội nón và có khi banh xác. Với Phật giáo, tình thương thật mênh mông toả khắp vô giới hạn, và thương từ con kiến cho đến cả kẻ thù! Một đệ tử hỏi: Thưa Sư, trong nhà con, lũ kiến, gián, chuột bò tùm lum ghê quá, nếu giết chúng thì có phạm tội sát sanh không ạ? Sư mỉm cười: cái đó tuỳ con thôi, nếu con giết tức là đã taọ nghiệp thì trước sau cũng phải trả, không trốn đi đâu được. Thế Sư chỉ cho con cách khử chúng mà không phạm tội đi? Mô Phật, đơn giản thôi: con lấy cái chổi quét cả lũ ra khỏi nhà rồi lấy thuốc giết chuột, gián...v...v... vãi chung quanh nhà cho nó sợ không dám vào là hoàn tất. Nhớ không được giết chúng bằng thuốc lúc nó còn ở trong nhà, phạm tội sát sanh đó nghe con. Thế còn quân thù ở ngoài mặt trận, con không bắn nó thì nó bắn con, Sư chỉ con cách giải quyết sao cho êm thấm? Dễ ợt, đứa nào bắn trước thì nó phạm tội, còn con lỡ chậm, có phải phiêu diêu miền...cực khổ thì kiếp sau khỏi trả nghiệp, khoẻ re! Ối dào, riêng tôi theo đạo "Thờ Cúng Ông Bà" thì cứ thực hành đúng theo phim "Bắn chậm thì chết" cho khoẻ, kiếp sau có ra sao cũng hoan hỷ...chấp nhận thôi! 
     Hình như trong Thánh kinh, Chúa có phán: "Hễ ai tát vào má trái, thì con đưa ngay má phải cho họ tát nốt", thế là con sẽ được hưởng phước lành! Tuy nhiên tôi là người ngoại đạo, ngu gì lại chìa má bên kia ra để chịu đau! Trừ một trường hợp ngoại lệ mà kịch bản được diễn tiến êm ái như sau: Nếu đối tượng là một phụ nữ, thay vì tát, Nàng lại hôn tôi lên má bên trái, lập tức tôi xoay người đưa ngay má bên phải ra gần cái miệng xinh xinh để Nàng hôn tiếp và bao lâu cũng đặng. Sau đó tôi đứng thộn ra nhìn N tha thiết, rồi kiên nhẫn chờ xem N có nhã ý muốn hôn thêm... chỗ khác nữa hay không! Ôi chao kịch bản này sao mà lãng mạn, tuyệt vời thế! À mà phải là phụ nữ thứ thiệt, chứ "đồng tính" là tôi bỏ chạy mất đất đấy. 
     Trong bài phiếm "Tình bạn", tôi có nghe lời xúi dại của một tác giả vô danh là xếp quý thân hữu và học trò thành bốn nhóm tuỳ theo mức độ tình cảm thân sơ đối với nhau. *Nhóm 1 ngoài cùng, tức là nhóm "How are you" chỉ dành cho những người quen biết sơ sơ vớ vẩn ở sở làm hoặc gặp nhau khơi khơi ở những nơi công cộng...  *Nhóm 2, tôi thân ái dành cho một số thân hữu và đệ tử chỉ gặp nhau thoáng qua trong các Đại hội thường niên. Còn lại đa số quý hội viên, tình cảm đối với nhau đã khá sâu đậm, tôi xin ân cần được mời tất cả ngự ở "nhóm 3". Riêng "nhóm 4" chỉ có một người duy nhất được lọt vào, chính là nội tướng, tức là Ngọc. Tại sao? Vì theo thiển ý trên cõi trần này, "có lẽ" chỉ có... vợ hay chồng là người đáng tin cậy nhất sau Thượng đế mà thôi! À mà cũng không chắc 100% đâu đấy nhé. Vì trong thực tếlà  thiếu gì cặp vợ chồng, sau một thời gian mặn nồng thắm thiết cũng đã vác chiếu ra toà để cúng đô la cho luật sư đấy ! Quả thực, trên cõi đời ô trọc này, cái gì cũng có thể xẩy ra cả 🤣
     Thưa quý vị, dưới ánh nắng mặt trời, ai cũng biết không có cái gì là tuyệt đối. Thú thật, tự trong đáy lòng, tôi luôn cố gắng tôn trọng và quý mến quý hội viên như nhau trong khả năng của mình và không hề có ý phân biệt. Nhưng khổ thay, tình cảm đâu có thể đong, đo hay đếm được! Vả lại nó còn tuỳ thuộc vào sự qua lại với nhau, nhiệt tình hay mờ nhạt và cũng chỉ trong từng giai đoạn mà thôi. Từ khi may mắn được trở lại sinh hoạt với Hội, có dịp giao tiếp với quý hội viên, trải qua nhiều sóng gió bão bùng, tôi đã rút ra được một chút kinh nghiệm bản thân, xin đưa ra đây để mọi người cùng suy ngẫm. Cũng xin thưa trước, những nhận xét này chỉ có tính chủ quan, không hề có ý lên lớp hay dạy dỗ gì tha nhân cả. Mong quý vị thông cảm và tha thứ nếu có điều chi không vừa ý, tôi xin cám ơn. 
     Theo thiển ý, trong gia đình, đối với con cái, bố mẹ nên ráng thương yêu sao cho đồng đều, ngoại trừ những đứa thiếu may mắn như bệnh hoạn hay khuyết tật... thì phải đặc biệt chăm sóc kỹ hơn. Còn với những đứa bình thường, theo tôi chỉ nên yêu thương...vừa vừa thôi. Nếu ta quá thương yêu chúng, thường hay nẩy sinh tính chiếm hữu, đòi hỏi chúng phải suy nghĩ, hành xử theo sự mong muốn của mình, đạo Phật gọi đó là "Tham". Thí dụ ta muốn nó học thành Bác sỹ, Kỹ sư...nhưng theo năng khiếu, nó lại thích trở thành Hoạ sỹ hay Ca sỹ...v...v..., thế là nẩy sinh sự mâu thuẫn âm ỷ trong gia đình. Nếu ta thắng, con ta phải miễn cưỡng chấp nhận, nhưng ta đã xâm phạm vào quyền tự do của nó, dĩ nhiên là không tốt. Nếu ta thua vì một lý do nào đó, ta âm thầm nổi giận, bất mãn nghĩa là cái "Sân" của ta đã có đất dung võ. Do không được thoả mãn, cái tâm sinh ra buồn phiền, thất vọng và...chán đời, tất cả sẽ đưa đến cái "Si" cũng theo đạo Phật. Thế là ta hội đủ cả "Tham Sân Si", ba thứ mắc gió trên cõi ta bà này thì làm sao để gia đình có cuộc sống hạnh phúc, an bình được. 
     Ngoài xã hội, rộng lớn hơn, nếu ta cư xử tương tự đối với tha nhân thì hậu quả cũng sẽ sêm sêm như vậy. Đặc biệt với những người bất hạnh, kém may mắn, với những nạn nhân của thiên tai như bão lụt, động đất...v...v...thì tình thương của ta phải toả rộng không giới hạn, không đòi hỏi và cố gắng trợ giúp tuỳ theo khả năng. Trừ trường hợp ngoại lệ đó, đối với thân nhân, bằng hữu... mà ta thường tiếp xúc thì nên xử sự công bằng, có qua có lại, sòng phẳng tương đối, tránh tính toán hơn thua sát sạt thì tình bạn mới tốt đẹp và lâu dài được. Nên nhớ chúng ta chỉ là những người bình thường, đâu phải là Phật, Chúa hay đấng...Allah? mà thực hiện được đúng những "Lời hay,Ý đẹp" của các bậc hiền triết được? 
Để kết luận bài phiếm này, theo thiển ý: Một cách chung chung, muốn tránh giận hờn và đau khổ, ta chỉ nên " thương nhau...vừa vừa". Một phần để cõi lòng rộng mở, thương được nhiều người hơn và phần nữa rất quan trọng là đỡ làm phiền đến tự do của người khác. Cũng nhờ vậy ta sẽ bớt đau khổ khi bắt buộc phải xa nhau. Nếu lỡ một ngày đẹp trời, duyên đã... tàn mà tình chỉ còn lại chút...dư âm thì chỉ ghét nhau...eat eat! 😊
Nguyễn ngọc Đường


Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #352 - 19. May 2018 , 05:45
 
“Đêm Thu"
      Bài phiếm vừa qua hơi dài, có thể làm mọi người nhức đầu. Để chuộc lỗi và thay đổi không khí, thân ái tặng cả làng một bài hát êm dịu để xả stress cuối tuần nhé.
      Hôm nay, mời trở lại với người nghệ sỹ tài hoa nhưng bạc mệnh là nhạc sỹ Đặng Thế Phong. Cuộc đời của đương sự, theo lời kể của tác giả Lê hoàng Long, trong một bài viết với khá nhiều chi tiết, tuy trong sáng thanh cao nhưng quả thật là bất hạnh. Người nghệ sỹ đa tài đã qua đời ở tuổi 24 vì bệnh lao phổi trong cảnh thiếu thốn cơ hàn. Tuy vậy đã may mắn không phải sống cô đơn buồn tủi ở giai đoạn chót nhờ lúc nào cũng được người yêu tận tình chăm sóc cho đến giây phút cuối cùng.
     Có giai thoại kể rằng, hồi còn theo học với tư cách bàng thính viên ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong kỳ thi tốt nghiệp, đương sự đã vẽ một bức hoạ rất ấn tượng: cây cổ thụ đứng sừng sững có đủ cành nhánh nhưng lại... trơ trụi lá. Giáo sư hoạ sỹ Tardieu khi chấm bài đã khen ngợi bức tranh độc đáo này nhưng cũng dự đoán là tác giả của nó sẽ không thọ và sự thật đã diễn tiến đúng như vậy.
     Tương tự, một nhà thơ Việt Nam, Đặng Trần Côn, đã sáng tác một trường thi tuyệt tác để đời bằng Hán văn có tựa đề Chinh Phụ Ngâm: "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên..." Bài thơ nguyên thuỷ đã được dịch ra chữ Nôm bởi nhiều tác giả trong đó có Đoàn thị Điểm, Phan huy Ích...v...v... 
     Một danh sỹ đương thời người Trung Hoa, đọc xong tác phẩm đã phải tấm tắc khen là tuyệt phẩm nhưng đồng thời cũng ngậm ngùi phán:  "tinh anh" phát tiết ra hết trong bài thơ rồi và tác giả của nó sẽ đoản số mà thôi. Quả nhiên lời phỏng đoán đó không sai vì thi sỹ sau đó đã bỏ cõi trần khi chưa tới 30 tuổi đời?
     Thế ra trên cõi ta bà, con người lúc còn trẻ mà tài năng đã lồ lộ hiện ra, vượt xa những người cùng lứa tuổi thì có nhiều khả năng được sớm trở về cõi vĩnh hằng lắm ! Ở đây ta cũng có dịp nhận thấy thuyết Tài Mệnh ghét nhau của cụ Nguyễn Du được chứng nghiệm một cách khá thuyết phục. Theo thiển ý, suy diễn rộng ra, không những tác giả phải lãnh hậu quả mà cả tha nhân sử dụng tác phẩm cũng bị nó vận vào người nữa ! Đó là trường hợp chị Vân của tôi, chỉ yêu thích và hát bài "Con thuyền không bến" của ĐTP mà đã được Thượng đế ưu ái gọi về năm Chị mới 23 tuổi!
       Chắc quý vị cũng để ý, ba nhạc phẩm của ĐTP là Con thuyền không bến, Đêm Thu và Giọt mưa Thu, tuy tuyệt vời thật nhưng ít được các ca sỹ trình diễn trên sân khấu các trung tâm Thuý Nga hay Asia. Những bản nhạc bất hủ này thường chỉ được thu âm một cách khiêm tốn vào một số ít cd mà thôi. Có lẽ chỉ riêng bài "Giọt mưa Thu" là may mắn được ca sỹ duyên dáng Ngọc Hạ trình bầy trên sân khấu của Asia. Tại sao vậy? Không chừng các Nàng cũng sợ nó vận cái xui vào người chăng? Theo tôi võ đoán, người đẹp Ngọc Hạ có thể chưa có duyên được đọc tiểu sử cuả ĐTP hoặc điếc không sợ súng nên mới dám phây phây trình diễn bài đó?  
     Riêng Thầy Đ vốn khẳng định là từ thuở bước qua tuổi cổ lai hy, Thầy không hề ngán bất cứ cái gì có thể vận vào người được nữa ! Hồi còn bé thì hát không nổi loại ca khúc này vì thiếu khả năng và thú thật làm gì có "tinh anh" để mà phát tiết sớm như thế! Vả lại nếu lỡ tiềm ẩn cái "đáng yêu" đó trong mình thì Thầy làm sao sống nổi cho tới...già như bi giờ được. Hay là Thượng đế cũng ban cho một tí nhưng vì chưa đủ duyên nên nó phát tiết chậm chăng! Nhưng giờ đây, ối dào, Thầy đã ngoài bát thập, xá chi cái vớ vẩn lăng nhăng này, dù nó muốn "vận" cũng không còn kịp, quý vị đồng ý chứ?
     Cách đây it lâu tôi đã dám hát bài "Con thuyền không bến" rồi. Hôm nay mời quý vị thưởng thức tiếp bài "Đêm Thu" cũng của nhạc sỹ ĐTP. Và trong tương lai nếu còn kịp và có cơ duyên tôi sẽ hát nốt bài "Giọt mưa Thu" cho đủ bộ, đâu có sợ thằng Tây nào!  Xin mời quý vị đón nghe và cũng xin cám ơn sự kiên nhẫn của quý vị.
https://www.mediafire.com/download/2g8301dqukssxyg
Nguyễn ngọc Đường




Back to top
« Last Edit: 19. May 2018 , 06:21 by Nguyễn Ngọc Đường »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #353 - 24. May 2018 , 04:48
 
Quê tôi
    Thái Nguyên, nơi tôi chào đời, thuở xa xưa là một tỉnh nhỏ thuộc miền Trung du Bắc bộ, cách Thủ đô Hà Nội 75km về phía Bắc. Cả tỉnh chỉ có một cái Chợ, hai cái Đình, một Nhà Thờ và vài cái Chùa nằm rải rác trong những khu vực đông dân cư. Các cơ quan của Nhà Nước như Toà Sứ, Kho Bạc, Trại lính, Nhà Thương...v...v... đều được tập trung trong thị xã và toạ lạc tại những con đường chính như Paul Bert, Carnot, Bắc kạn... Cư dân trong tỉnh thưa thớt thuộc nhiều sắc tộc như Thổ, Mán, Nùng, Tày, Dao...nhưng người Kinh vẫn chiếm đa số. Mọi người đã sống hiền hoà, an bình với nhau từ bao đời như con sông Cầu thơ mộng, uốn khúc chẩy êm đềm sát bên thị xã.
    Thái Nguyên, năm 1939 chỉ có hai trường tiểu học. Trường Nam có tên René Robin và Trường nữ được gọi là trường Con Gái. Chú tôi tên Nguyễn đức Nghi, nguyên tốt nghiệp trường Sư Phạm Hà Nội, vóc dáng nhỏ con, da ngăm ngăm đen, tính nghiêm khắc, dạy lớp Nhất kiêm chức Hiệu trưởng trường Nam. Ba tôi tên Nguyễn văn Sắc chỉ có bằng tiểu học, người to béo, tính dễ dãi thoải mái dạy lớp Ba. Còn quí Thầy dạy các lớp khác là Thầy Ân, Thầy Hoàn, Thầy Hảo, Thầy Uông và Thầy Tụng. Học trò thời Tây rất tinh nghịch và hay phá phách ngầm tuy vẫn nể sợ các Thầy vì ngán bị ăn đòn bằng roi mây quắn đít. Hồi đó tuỳ theo dáng dấp và tính nết của các Thầy, học trò lén làm bài vè để giễu cợt :
            Nghi đen,Tụng mốc, Uông sề,
            Sắc tròn, Hảo vẩu, Hoàn dê, Ân còm.
    Gia đình tôi gồm bà Ngoại, Ba Mẹ, chị Vân và tôi, thêm một người làm còn trẻ. Ba Mẹ quê quán ở tỉnh Bắc Ninh, vốn cùng là nhà Giáo nhưng khi lập gia đình thì chỉ có Ba là còn dạy học. Gia đình lên lập nghiệp ở Thái Nguyên từ bao giờ tôi không được rõ nhưng căn nhà chúng tôi ở là của bà Ngoại mua tặng cho Ba Mẹ để làm tài sản sau này.      
    Hàng tuần cứ đến những ngày nghỉ như Thứ Bảy, Chủ Nhật hay ngày Lễ, công chức mọi ngành thường tụ họp lại với nhau. Người có máu đỏ đen thì đánh bài, nếu không thì chơi thể thao hay đọc sách báo để giải trí. Chỗ họp mặt là những nơi công cộng như séc Tây, séc Ta, các Câu lạc bộ hay tại nhà riêng tuỳ theo từng nhóm bạn bè. Các bà thì được thong thả hơn vì không phải đi làm. Buổi sáng sau khi chồng đến sở, quí bà đưa tiền chợ cho các cậu bếp, cô sen để lo cho con cái còn nhỏ chưa đi học và hai bữa cơm hàng ngày rồi kéo nhau đi tìm chỗ đánh Chắn, một loại bài đặc biệt của dân miền Bắc.
     Năm đó tôi học lớp Ba trường René Robin và chị Vân học lớp Nhất trường Con Gái. Nhà ở cạnh Đình Hàng Phố, cách trường chỉ vài trăm mét nên đi bộ đến trường rất thoải mái. Ba dạy lớp ba cũng đến trường bằng lô ca chân nhưng không bao giờ hai bố con cùng xuất hành một lúc cả vì... dị ứng. Ở trong lớp, tôi bị ép phải ngồi hàng đầu để Ba dễ canh chừng, không nhúc nhích cục cựa gì được cả. Viết Dictée là món tôi ngán lắm, lần nào cũng bị 5,6 lỗi và thỉnh thoảng lại được ăn roi mây quắn đít. Ba có những bài soạn sẵn để dạy như Dictée, Composition...được cất ở một chỗ bí mật trong nhà nhưng tôi cũng khám phá ra. Thật sung sướng như bắt được vàng khi vớ được những bài mẫu như thế. Tôi bèn học thuộc lòng những chữ khó và nhét thêm những câu văn hay một cách khéo léo vào bài luận văn của mình cho nặng ký. Nhưng khi chấm bài chắc Ba cũng biết vì giữa những câu dở ẹc lại xen kẽ vào những câu thật toàn hảo. Ba vốn tính dễ dãi, mau quên nên cũng không nhớ được hết. Viết đến đây tôi lại nhớ đến một câu chuyện vui vui về đạo Nhạc: "Một đệ tử đưa bản nhạc mới sáng tác cho Thầy đánh giá.Thầy khen nức nở, bản nhạc của anh thật là vừa Hay lại vừa Lạ. Mới nghe đến đây mặt anh đã hơi đỏ và mũi như... nở ra. Thầy nói tiếp, nhưng tiếc thay những chỗ Hay thì không... Lạ và những chỗ Lạ lại không... Hay. Thế là mặt anh chợt tái đi và cái mũi lại xẹp xuống như thường lệ".
     Tôi có tật ham ăn từ thuở nhỏ nhưng túi lúc nào cũng xẹp lép. Ba Mẹ vì mê đánh bài nên ít khi cho tiền chị em chúng tôi để ăn quà vặt. Chị Vân là con gái cưng nên Mẹ ưu ái hơn, thỉnh thoảng cũng dúi cho vài xu. Tôi vì không được may mắn nên đành phải tự xoay xở. Ngoài nghề đánh đáo, đá cầu ăn tiền, tôi có thêm một nghề nữa là.. ăn cắp vặt. Buổi trưa chờ Ba ngủ, lẻn vào buồng mắc quần áo, lục các túi xem có để sót xu nào không, thường thì kết quả khả quan vì tiền lẻ của hội viên cờ bạc lúc nào chả có và nếu mất cũng không biết mất ở đâu.
    Ba vốn người to béo, hai bàn tay rất bự, có tiếng về vụ đánh học trò bằng bạt tai nhất là vào những hôm thứ hai nếu đêm hôm Chủ nhật bị thua đậm về Mạt chược. Hôm đó đứa nào không thuộc bài sẽ bị hành hạ kiểu rất lạ: nằm dưới gầm bàn Thầy giáo và ở vị thế chổng mông. Ba bèn gác 2 chân lên lưng rồi ngủ gà ngủ gật cho đến hết giờ. Ba là anh ruột của ông Hiệu trưởng nên cũng được nể trọng và nhân nhượng hơn các Thầy khác.
"Vài nét sinh hoạt của thị xã Thái Nguyên"
*Chợ Phiên_ Hàng tháng, thị xã Thái Nguyên có môt phiên chợ chính, họp vào một ngày nhất định mà tôi không nhớ rõ. Tuy nhiên, vui và hấp dẫn nhất phải là phiên chợ cuối năm.  Bài thơ Chợ Tết của Đoàn văn Cừ cho đến nay vẫn là bài đã diễn tả phong phú, đầy đủ chi tiết và sống động hơn cả.
     Thái Nguyên, dân cư ngoài người Kinh thường sinh sống ở Thị xã, còn gồm nhiều thành phần dân tộc thiểu số, họp thành những bộ lạc hay những nhóm nhỏ có cùng phong tục tập quán, sống rải rác ở những chỗ hoang vu ít người như trên núi cao hoặc vào sâu trong rừng thẳm. Đêm hôm trước ngày họp chợ, họ từ các nơi xa xôi trở về thị xã, nằm ngủ la liệt ở các vỉa hè, vườn hoa, đình chùa...với những hàng hoá lỉnh kỉnh, hỗn tạp như: măng, mộc nhĩ, nấm hương, củ nâu...
    Mờ sáng hôm sau, họ lũ lượt kéo nhau ra chợ với xiêm y thêu thùa sặc sỡ, vòng kiềng, bông tai... sáng chói, mỗi sắc tộc trang phục lại khác nhau, trăm hoa đua nở, mỗi người mỗi vẻ trông thật trẻ trung, mát mắt. Những thiếu nữ người Thổ chân bự như chân voi, vì phải leo núi suốt ngày, hay những cô Thái trắng chân dài, da trắng bóc, mắt sáng long lanh đen như hạt huyền tụ lại, dắt tay nhau vừa múa vừa hát líu lo gọi là hát Lượn rất vui nhộn. Tuy nhiên những người đứng thưởng thức chung quanh thì mặt lại thộn ra như Mán nghe kèn Tầu vì có hiểu gì đâu. Các chú lính, cậu bếp, sán lại gần để tán tỉnh, dụ dỗ...nhưng lúc nào cũng phải coi chừng cái món Ma Gà và Bùa Ngải của các nàng, có thể mất mạng như chơi.
   Thổ mừ, Thái trắng anh ơi
   Cô nào cũng đẹp anh thời yêu ai
   Yêu ai xin chớ đùa dai
   Thổ mừ nó giận...Thư hai con Gà.
_Chú thích: Ma Gà nó ghê lắm, bị Thư một con vào bụng thì chỉ đau khổ, nếu bị hai con thì được...lên Bàn Thờ ngay đấy.
    Quí vị muốn nghiên cứu về các loại Ma như Ma gà, Ma xó, Ma trành... thì tìm đọc trong những truyện Đường Rừng của Lan Khai, Tchya...là đủ hết. Đặc biệt về "Ma femme" thì chỉ cần đọc đoạn tếu dưới đây của Thầy Sugar là đạt yêu cầu rồi.
*Tản mạn về Ma femme - Trong một bữa tiệc không có đàn bà, nhưng có đủ các ông đại diện cho mọi ngành nghề trong xã hội. Sau khi ăn uống no say các ông đề nghị bầu một ngành nghề nào có tiếng là sợ vợ nhất trong xã hội. Sau khi lựa chọn cẩn thận, cuối cùng nghề Thầy Giáo được bầu là hạng nhất vì có giai thoại như sau:
    "Có một Thầy giáo khả kính, bữa nọ đi đánh Mạt chược, mãi đến khuya mới bò về nhà. Tới trước cửa Thầy bèn gõ nhè nhẹ 3 tiếng rồi liền quì ngay xuống bậc cửa và kiên nhẫn chờ...Một lúc sau vợ ra mở cửa chỉ lườm Thầy một cái rồi thì mọi chuyện đều...êm thấm". Thế nà thế lào?
    Thì ra mọi đêm, Thầy về gõ cửa ầm ầm rồi đứng hút thuốc phây phây. Giường ngủ gần ngay đó, bà nhìn qua khe cửa thấy phát ghét cho đứng chờ tới sáng luôn. Lần sau, Thầy rút kinh nghiệm không dám gõ mạnh nữa nhưng vưỡn đứng hút thuốc vi vút. Bà bèn bổn cũ soạn lại, để Thầy đến trường đánh răng rửa mặt luôn cho đỡ tốn nước. Lần này thì Thầy thấm đòn và ngộ ra là phải... quì thì mới qua lơ phai (qualified) chăng? Và quả đúng như vậy, bà Giáo liếc qua khe cửa thấy mặt thầy dài ra bèn tội nghiệp cho vào nhà sớm để Thầy... kịp giờ đi dạy.
*Hội chợ Ấu trĩ viên (kermesse) - Năm đó Thị xã Thái Nguyên mở Hội Chợ tại Ấu trĩ viên để gây quĩ từ thiện. Cái đinh của Hội chợ là ngày khai mạc do quan Công sứ chủ toạ. Một cái rạp bằng lá gồi rộng rãi, khang trang được dựng lên sát ngay sân tennis. Những cái chòi nho nhỏ cũng được dựng sơ sài để dành cho các Cụ ngồi chơi Tổ tôm điếm và đánh cờ Người (quân cờ là người thật).
    Các Cô giáo của trường Con Gái thật bận rộn, vất vả. Ngoài việc phải trổ tài nấu nướng đủ loại món ăn Tây, Tầu, Ta để phục vụ các quan, còn phải trang hoàng rạp bằng hoa lá cành với sự tiếp tay của các Thầy giáo sao cho các quan vừa lòng. Đặc biệt nhất là quan Phủ, quan Huyện, quan Kiểm học và dĩ nhiên cả quí vị Hiệu trường trường Nam và trường Nữ. Thế rồi ngày khai mạc đã tới, các quan đều âu phục chỉnh tề, các bà, các cô thì ngoài vòng vàng, cẩm thạch...đa số đều mặc áo dài truyền thống, tất cả sẵn sàng chờ đón quan Công sứ đến khai mạc Hội chợ.
    Sau phần nghi thức và diễn văn khai mạc, mọi người đều đứng dậy, trò chuyện, bàn tán về các mục vui chơi, rồi ngay sau đó được ban tiếp tân mời vào bàn ăn trong rạp và sâm banh bắt đầu nổ như pháo Tết. Các Cô giáo xinh như mộng, chỉ cỡ trên dưới 20 tuổi, dáng vẻ thanh tú đi lại mời mọc, miệng tươi như hoa làm quan Công sứ ngây ngất. Bỗng quan nói nhỏ với quan Tuần....rồi quan Tuần lại đi tìm bà Hiệu trưởng ghé tai thầm thì.... Thì ra quan Công sứ đã chấm Cô giáo T, hoa khôi của thị xã, và xin được Hôn cô theo phép lịch sự Tây phương.
    Bà Hiệu trưởng phải năn nỉ, vừa hứa hẹn vừa doạ dẫm Cô T mới chịu nhưng với điều kiện là phải hôn kiểu Ta chứ Cô hổng chịu kiểu Tây. Quan Công sứ cũng đành phải chiều Cô vì nhập gia tuỳ tục mà! Đại khái nó diễn tiến như thế này: Quan chỉ được hôn nhẹ trên má Cô, hai tay phải để thõng xuống, không được quờ quạng, cái đầu Quan hơi nghiêng xuống vì Cô không cho đứng gần. Chao ôi mấy cọng râu xồm của Quan mà cọ vào má của nàng chắc là... nhột lắm. Khổ nỗi cái mục hôn này lại diễn ra trên sân khấu ngay trước mặt bá quan văn võ và thần dân làm tôi nổi máu nghĩa hiệp lên, dù lúc đó vưỡn còn... con nít, chỉ muốn tặng Quan một cái đá đít. Lý do vì tội nghiệp Cô giáo quá, má Cô hơi ửng hồng trông lại càng đẹp và mắt như muốn... đẫm lệ. Quan Tây còn đang mê mẩn thì Cô đã ù té chạy vào bên trong rạp và nhất định không chịu ra tiếp tân nữa.
    Từ bữa đó tôi ghét Tây dễ sợ dù cơm Tây thì... vưỡn ăn, không biết tại sao!. Bây giờ tôi mới ngộ ra là trong thời gian theo đoàn Văn nghệ, tôi chuyên trị đóng vai Tây chết, một phần vì dở không đóng vai khác được, phần nữa chắc là để...trả thù Tây cho bõ ghét. Thế ra cái sự hận thù nó đã nằm sẵn trong tiềm thức rồi và chỉ chờ có dịp là xông ngay ra.
*Văn nghệ_ Nhờ có chút khiếu về âm nhạc, năm 7, 8 tuổi tôi đã đánh đàn mandoline khá giỏi và hoàn toàn tự học. Ngoài ra, tôi còn thuộc rất nhiều bài hát nhất là các bài tình ca lãng mạn và hát rất đúng giọng, đúng nhịp nhưng có khuyết điểm là hơi không được dài.
    Năm đó Ba được gửi đi tham dự lớp Huấn luyện viên Thể dục ở Phan Thiết và Thầy Hàm được đổi về dạy thế lớp Ba. Thầy Hàm, tính vui vẻ, dễ thương, rất thân thiện với học trò và là một huynh trưởng Hướng Đạo. Thầy giỏi đàn hát và thường viết những vở Kịch ngắn cho chúng tôi tập trình diễn.
    "Trois jeunes tambours" - Vở kịch được hát lên bằng tiếng Pháp, nói về 3 chàng lính đánh trống đi kiếm vợ. Chàng đứng giữa là vai chính và xin hỏi Công chúa, con Vua làm vợ. Vở Kịch được viết dưới hình thức Thoại kịch giữa 3 nhân vật: Vua, Công chúa và chàng Rể tương lai. Tuy nhiên những câu đối thoại, khi hát lên phải kèm theo với những điệu bộ cho thích hợp. Tất cả các diễn viên đều là Sói con và Công chúa là nam giả nữ. Tôi vốn không có khiếu về Kịch tuy nhiên trong màn trình diễn này lại được lựa đóng vai chính là chàng Rể vì 2 lý do: hát hay và là con Thầy giáo.   
   *Gay?_ Ở màn cuối của vở Kịch, chàng Rể được quỳ xuống hôn tay Công chúa, thật cảm động và sung sướng...thứ thiệt. Công chúa giả hôm đó đẹp tuyệt trần, không biết ai đã trang điểm cho nàng, hai cái má bánh đúc cứ phinh phính ra trông thật xinh dễ sợ. Anh bạn đóng vai này tên Q, bằng tuổi tôi, hiện còn sống ở Hà nội. Từ bữa đó tôi mê Q thật, lúc ra chơi, khi đi cắm trại, lúc tập đàn...luôn luôn tôi ở bên cạnh Q. Lâu không thấy mặt thì nhớ cứ y như tương tư vậy. Nhưng hồi đó mới 7,8 tuổi đã biết...yêu đâu, chỉ cảm thấy khi xa nhau thì buồn nhớ vớ vẩn mà không biết tại sao. Có thể gọi là Gay được không? nếu đúng thì tại sao bây giờ tôi lại vợ con đề huề?
    *Bồng lai Tiên cảnh- Thầy Hàm viết một Nhạc cảnh về Bồng lai nơi có các tiên nữ múa hát với xiêm y rực rỡ. Các diễn viên phải nhờ gia đình, bà con đi mượn quần áo của đám con gái trong tỉnh để chuẩn bị tập dượt. May quá cạnh nhà tôi là nhà ông Phán toà Sứ có cô con gái cùng cỡ tuổi nên được cho mượn dễ dàng. Các diễn viên phải tự lo liệu về y phục và nhờ người nhà trang điểm, phấn son đàng hoàng rồi mới kéo nhau đến trường để tập. Riêng tôi thì được chính cô con gái ông Phán trang điểm, cũng cảm thấy thích thú vui vui. Có một chi tiết khá ngộ nghĩnh là các Tiên nữ trong khi múa hát đều không mặc đồ lót vì...có ai dám cho mượn đâu. Các cô gái mắc cỡ, chỉ lén đưa cho cái quần còn cái món kia thì eo ôi, ghê quá nhất định không cho mượn. Cũng may thời gian đó con gái ít mặc váy, nếu các tiên nữ múa hát mà váy lại tung bay trước những cái quạt thì hấp dẫn lắm, có khi khủng khiếp quá khán giả bỏ chảy hết thì tan tuồng. Hồi đó con trai còn nhỏ, đi học thường cũng chỉ mặc quần đùi, trời lạnh thì quần dài và không có đồ lót. Rồi thì mọi sự cũng qua đi và buổi trình diễn nhờ... y trang lạ mắt nên được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.
    Hôm sau đáng lẽ phải đem trả quần áo cho cô gái thì tôi lại kiếm cớ không trả ngay nói là để giặt sạch sẽ đã...thì cũng đúng thôi nhưng rồi cũng lần lữa thêm vài ngày nữa mới trả. Nói ra thật xấu hổ, thì ra tôi nhớ cái mùi xiêm y của cô gái, nó lạ lắm không thể diễn tả được chắc là mùi...con gái, đơn giản vậy thôi.
    *Thời oanh liệt - Năm 1943 Thầy Phạm duy Nhượng được đổi về trường René Robin và phụ trách dạy lớp Nhất. Tôi hân hạnh được học Thầy từ năm đó cho đến khi VM cướp chính quyền. Thời gian này đúng ra là thời oanh liệt nhất của tôi, vì Thầy và tôi lúc nào cũng có mặt trong các buổi hoà nhạc hay diễn kịch trong tỉnh.
    Lúc đó tôi 12 tuổi hãy còn con nít, và là người trẻ tuổi nhất trong ban nhạc. Trước khi vào đoạn chính của một bản nhạc thường có khúc dạo đầu( prelude) và tôi luôn là người đã đánh khúc đó bằng đàn mandoline, sau đó cả ban nhạc mới chơi vào bài chính. Ngoài các buổi hoà nhạc và diễn kịch chính thức có bán vé cho dân chúng để gây quỹ hoặc làm việc từ thiện, đám thanh thiếu niên mê nhạc thường tổ chức những buổi hoà nhạc bỏ túi ở nhà riêng cũng vui và hấp dẫn lắm. Lần nào cũng có màn cháo gà trước khi chia tay và riêng tôi thì rất khoái món này vì ở tuổi thiếu niên có lúc nào no đâu.
   Thầy Phạm duy Nhượng năm đó chừng 24, người cao ráo, dáng nghệ sỹ, nhưng thật đáng buồn vì miệng Thầy có tật hơi bị méo chắc do bẩm sinh. Thầy quê quán ở Hà Nội, là em của Thạc sỹ Phạm duy Khiêm và là anh của nhạc sỹ Phạm Duy ( Phạm duy Cẩn ). Thầy có bằng Tú Tài Tây phần thứ nhất, lúc đó là oai lắm rồi và đã có gia đình. Vợ Thầy đẹp và còn trẻ măng.
   Thầy rất nhiều tài: viết Kịch, sáng tác Nhạc, vẽ Tranh và kiêm luôn cả Đạo diễn. Ngoài ra Thầy còn hát và sở trường về môn Guitar thùng. Tính Thầy phóng khoáng, cởi mở. Thầy với tôi là cặp bài trùng, chỗ nào có hội hè, nhạc, kịch là có Thầy trò chúng tôi, thật là thời kỳ Thần tiên, nhiều kỷ niệm đẹp và không bao giờ tôi quên được.
    Sau khi tốt nghiệp bằng Tiểu học, chị Vân được gửi về quê nội ở tỉnh Bắc Ninh để theo học bậc Trung học. Hàng năm, mỗi kỳ nghỉ Hè, Chị lại trở về vui chơi với gia đình ở Thái Nguyên trong 3 tháng phù du. Khoảng thời gian này Cậu cho Chị đến học thêm với Thầy Nhượng về hai môn Pháp văn và Toán. Thái Nguyên là tỉnh nhỏ nên các thiếu nữ choai choai có chút nhan sắc đều được các cậu trai để ý và gán ghép cho nhau. Chị Vân lúc đó 16 tuổi, hát khá hay, truyền cảm thỉnh thoảng được Thầy đưa lên sân khấu trình diễn. Chị chuyên trị hát 2 bài Đêm Đông và Con Thuyền Không Bến thường làm các cậu trai cảm động. Tôi còn nhớ, cậu T hay nhờ tôi đưa thư tình cho Chị và mỗi lần thành công lại được cậu tặng 1 phong bánh đậu xanh thơm phức. Tính tôi tham ăn nên khai thác tối đa cái mục chuyển thư tình này. Thư của cậu nào tôi cũng tìm cách đưa hết cho Chị, không hề kỳ thị, nên các món ăn ngon như bánh cuốn Đồng mỗ, phở Bủng, kem...tôi đều được xơi hết, có khi các cậu còn tranh nhau rủ tôi đi ăn nữa.
     Hồi đó lũ học trò lớp Nhất, ngày nghỉ thường hay rủ nhau lại nhà Thầy để tập đàn, đánh cờ và để...ngắm Cô Giáo. Thầy tôi thật có phước, Cô đẹp não nùng, hiền như ma sơ và thường làm bánh đãi lũ học trò quỷ quái. Tôi nghĩ lại thật phục Thầy sát đất. Tuy Thầy có tật ở miệng, nhưng Thầy đàn hát tuyệt hay, ăn nói có duyên và cũng hơi tếu giống y trang học trò Thầy bây giờ. Thầy chiếm được trái tim của Cô, một thiếu nữ tuyệt sắc như vậy thì đúng là có duyên số mí nhau ghê lắm đấy. Nhưng than ôi, có Hạnh phúc nào là trọn vẹn đâu, hồng nhan thường...bạc mệnh.
    Sau ngày 19/8/45, Thầy trò chia tay nhau và mãi đến giữa năm 1947, chúng tôi mới gập lại thì Cô đã ra người thiên cổ vì bệnh thương hàn mắc gió để lại cho Thầy một đứa con trai mồ côi Mẹ và... đó là chuyện về sau.
    *Lưu Bình-Dương Lễ - Thầy mới viết xong vở kịch Lưu Bình Dương Lễ sẽ đem trình diễn trên sân khấu trong tỉnh và chúng tôi bắt đầu phải tập dượt. Cốt truyện đại khái như sau: Dương Lễ và Lưu Bình là bạn đồng môn, đến khi đi thi, Dương Lễ trúng tuyển còn Lưu Bình bị vỏ chuối nên thất chí, tinh thần xuống dốc. Dương Lễ thương bạn, âm thầm cho người thiếp trẻ đẹp là Châu Long đến nuôi và nâng đỡ tinh thần để Lưu Bình tiếp tục đèn sách cho đến khi thi đậu. Trong suốt thời gian luyện thi, Lưu Bình và Châu Long chung sống với nhau dưới một mái nhà nhưng riêng phòng, thỉnh thoảng cũng có chuyện vớ vẩn nhưng Châu Long cương quyết giữ kỷ luật nên mọi sự đều tốt đẹp cho đến phút chót. Sau khi bảng vàng sáng chói, Lưu Bình định xin cưới người đẹp thì Nàng đã khăn gói lặng lẽ trở về nhà chồng từ lúc nào rồi. Chuyện này đề cao Tình Bạn và lòng chung thuỷ của người Vợ.
    Vở Nhạc Kịch gồm 3 vai quan trọng: Lưu Bình, Dương Lễ và Châu Long nhưng 2 vai nổi bật là Lưu Bình và Châu Long vì phải diễn xuất nhiều nhất. Anh bạn Q đẹp trai được giả gái đóng vai Châu Long, một bạn khác có ngoại hình dong dỏng, tốt mã được chọn đóng vai Lưu Bình làm tôi nổi máu Hoạn Thư, ghen...khủng khiếp. Tôi bị trượt vì thiếu thước tấc, thư sinh phải nho nhã, cao ráo mà tôi thì lùn tịt chỉ ngang ngửa với Châu Long thôi, mặc dù hát hay nhưng diễn xuất lại dở ẹc thì vỏ chuối là đúng dzồi.
    *Tuần lễ vàng - Ngày 19/8/45, VM cướp chính quyền, lúc đó trường tiểu học René Robin được đổi thành trường trung học Lương ngọc Quyến, đã có lớp đệ Thất đầu tiên do Thầy Nhượng phụ trách. Thời gian này tôi hăng hái xách đàn mandoline đi các lớp để hướng dẫn các Thầy trò tập hát các bài Tiến quân ca, Diệt phát xít, Uất hận...vung vít chẳng hề biết đến chính chị chính em gì cả. Sau đó ít lâu, tuần lễ Vàng được mở ra cho nhân dân có dịp mở hầu bao giúp Nhà nước đủ phương tiện để Trường kỳ kháng chiến sau này.
    Tuần lễ Vàng được tổ chức ngay tại Chợ để đồng bào hàng ngày khi đi chợ, ghé qua bỏ những vòng vàng, nhẫn vàng, cẩm thạch...vào những thùng đặt sẵn tại các nơi thuận tiện và dĩ nhiên phải có người canh gác cẩn thận. Các ban nhạc trong đó có tôi, được khai thác triệt để, từ sáng sớm đến tối mịt mới được về, đúng là cơm nhà vác ngà voi. Ba tôi tuy chỉ là Thầy giáo quèn nhưng lại hay giao du thân mật với các quan lớn nên cũng sợ bóng sợ gió. Ba mẹ bèn bàn tính bán nhà cho gia đình cô em dâu để di tản về Hà Nội cho an toàn. Lúc đó tôi đã 14 tuổi, khá lớn dễ bị lôi kéo vào bộ đội nên Ba gửi tôi về quê nội ở Bắc Ninh nằm chờ sẵn cho chắc ăn.
    *Thái Nguyên vùng trời kỷ niệm -  Vài tháng sau, gia đình tôi lúc đó đã có thêm một em trai, tất cả âm thầm lên xe để về Thủ đô Hà Nội. Một cuộc sống mới đã mở ra và gia đình bắt đầu phải vất vả, sinh sống với số vốn ít ỏi là tiền bán nhà, chắc cũng chẳng được bao nhiêu vì đã phải bán cấp tốc.
    Một buổi sáng ảm đạm, tôi theo người nhà lên xe đò từ Bắc Ninh sang Hà Nội để về gập lại gia đình. Chuyến xe đi qua một cái cầu, bên dưới là con sông Đuống lững lờ trôi, nơi đã diễn ra bao kịch bản bi thương mà thi sỹ Hoàng Cầm đã ghi lại trong một bài thơ tình cảm nổi tiếng : "Bên kia sông Đuống" trong tập thơ "Về Kinh Bắc" năm xưa.
    Tôi còn nhớ, buổi sáng hôm đó từ làng Yên Mẫn theo người chị họ ra cửa Hậu để đón xe, lòng buồn vời vợi và nhớ miên man nhưng cũng chẳng biết nhớ cái gì. Thật ra chỉ là một mớ hỗn độn trong đầu một thiếu niên ngây thơ tuổi 14 : nào là hai cái má bánh đúc dễ thương của bạn Q đẹp trai, nào là cái mùi hương thoang thoảng bay ra từ áo quần của cô gái con ông Phán, rồi những bức thư tình của các cậu trai gửi cho Chị Vân, gợi nhớ đến những phong bánh đậu xanh thơm phức mà tôi đã thưởng thức và còn...nhiều nữa. Lúc ngồi trên xe, đang suy nghĩ lan man về tương lai mình ...que sera...sera... thì tự nhiên tôi bật khóc và khóc mùi mẩn vì linh cảm thấy là từ nay tôi thật sự đã phải xa Thái Nguyên yêu dấu, một vùng trời đầy kỷ niệm thân thương của “Những ngày thơ ấu ”
   Tỉnh Thái quê tôi, cảnh hữu tình,
   Sông Cầu gợn sóng, buổi bình minh.
   Trên bến dưới thuyền vui như Hội,
   Thổ, Mán,Tày, Kinh... sống thái bình.
Nguyễn ngọc Đường (Hồi ký)
Ps _ Bài viết này được trích đoạn trong bài Hồi ký có tựa đề "Những ngày thơ ấu".






            
          
                   
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #354 - 28. May 2018 , 07:40
 

"Để Quên ConTim"
      Thật là thú vị, cứ mỗi lần đọc một bài viết hay thưởng thức một ca khúc có hơi hướng đến Paris, tôi lại mơ màng nhớ đến hai phim thật xưa: "Vacances Romaines" và "An American in Paris". Phim đầu, nội dung nói về chuyện tình cảm lãng mạn giữa nàng công chúa duyên dáng trẻ măng và một chàng phóng viên cao ráo đẹp trai tại Rome, thủ đô thơ mộng của nước Ý. Phim thứ hai là một tác phẩm nghệ thuật vui nhộn, một phim ca nhạc hài hước rất sống động, với những bước nhảy vô cùng điệu nghệ của Gene Kelly giữa kinh thành ánh sáng Paris. Cả hai phim đều chiếm được khá nhiều giải thưởng Oscars.
     Hồi còn là học sinh ở Hà Nội (1946), lần đầu tiên đi giải trí tại rạp Majestic, tôi đã mê ngay kiều nữ Audrey Hepburn, đóng chung với tài tử Gregory Peck trong phim "Vacances Romaines". Cả hai nhân vật, diễn xuất hòa hợp và ăn ý với nhau như bóng với hình, thật tuyệt vời không còn chỗ chê. Riêng nữ tài tử, dáng vẻ lúc nào cũng ngây thơ, nhí nhảnh như chim sơn ca, giống y trang các nữ sinh LVD, cách đây cỡ nửa thế kỷ !
     Nói đúng ra, Audrey không có ngoại hình lộng lẫy, hấp dẫn như đa số các minh tinh hoặc người mẫu nổi tiếng .Tuy nhiên cô được Trời ban cho một khuôn mặt xinh xắn, ưa nhìn, nhiều thiện cảm. Vóc dáng cô hơi khiêm nhường, các vòng số hình như không đạt tiêu chuẩn, nghĩa là trên dưới thẳng tuột cho khỏi ...rắc rối. Ối dào, cái nết đánh chết cái đẹp là ở chỗ này đây!
     Bây giờ, để nhớ về xứ tuyết có "Ga Lyon đèn vàng", tôi hân hạnh mời quý bạn thưởng thức ca khúc "Để quên con tim" của ca nhạc sĩ Đức Huy. Trước khi nghe hát, tôi xin phép được lược qua vài nét về tác giả.
     Đọc được trên net, nhạc sỹ Đặng Đức Huy sanh năm 1947 tại Sơn Tây VN. Năm 54, theo gia đình di cư vào Nam, tốt nghiệp Đại học Văn khoa năm 72. Sau biến cố 75, tác giả đơn thương độc mã, vượt biên qua Mỹ, hành nghề ca nhạc tại San Francisco. Năm 89, đương sự lập gia đình với người đẹp Thảo My. Nhưng bất hạnh thay, sau một thời gian chung sống hạnh phúc, hiện giờ hai người đã tơ vương đứt gánh, nghĩa là ly dị. Thời gian hiện tại, nghệ sỹ đang đóng đô tại Sài gòn, còn người đẹp lưu lạc phương nào, kẻ hèn không được rõ.
     Gia tài âm nhạc của ông khoảng chừng vài chục tác phẩm. Những bản nhạc được nhiều người ưa thích như: Và tôi cũng yêu em, Đường xa ướt mưa, Bay đi cánh chim biển...
     Cuộc đời quả là vô thường, vạn vật biến chuyển từng sát na. Theo nhận xét của danh ca Khánh Ly, Thảo My trình diễn ca khúc "Đừng xa em đêm nay" thật hết xẩy, không ca sỹ nào qua mặt được. Giọng hát của nàng trong bài này sao mà ngọt ngào, đầm ấm, tha thiết, tưởng chừng như đôi uyên ương không thể nào còn giã biệt nhau được nữa.
     Ấy thế mà sự thật lại cay đắng phũ phàng như thế đấy. Không phải chỉ xa em đêm nay mà còn xa em ...mãi mãi! Hạnh phúc và đau khổ, than ôi, chỉ cách nhau có một màn sương khói mỏng manh, đâu ai biết nó tan biến ở chỗ nào và vào thời điểm nào? Thôi thì cái món này ta nên nhường cho Thượng Đế quyết định là khoẻ nhất!    https://www.mediafire.com/download/g7odlzdv3f4vebc
Nguyễn ngọc Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #355 - 03. Jun 2018 , 11:41
 
"Tình kỹ nữ"
     Năm 46, vài tháng trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thủ đô Hà nội hãy còn vương vấn đây đó vài nét của một thành phố ăn chơi. Có khá nhiều phòng trà, vừa ca nhạc vừa nhẩy đầm còn mở cửa đón khách dù không khí chiến tranh đang hừng hực bao chùm cả thành phố. Điểm danh thì thấy các phòng trà Thăng Long, Tuyết Sơn, Thiên Thai...với các ca sĩ hành nghề như Thương Huyền, Mai Khanh, Kim Tiêu, theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Duy trong Hồi ký 2.
      Quán Nghệ Sĩ, tọa lạc gần bờ Hồ Hoàn kiếm, là một phòng trà đặc biệt chuyên chơi nhạc sống, ca hát, bán rượu và hình như không có sàn nhảy. Chủ tiệm là nghệ sĩ Nguyễn văn Giệp chuyên trị món violin. Ngoài ra còn có những nhạc sĩ khác như  Nguyễn xuân Khoát chơi contrabass, Dương thiệu Tước chơi hạ uy cầm và các nghệ sĩ sử dụng trống, kèn, sáo... không thiếu thứ nào.
      Năm đó gia đình tôi thuê nhà ở Ô Cầu Rền, gần chợ Mơ. Những buổi chiều cuối tuần tôi hay lội bộ cả mấy cây số lên bờ hồ để thưởng thức nhạc cổ điển ở QNS. Vì còn con nít lại không tiền nên đứng khơi khơi bên cạnh rạp cinema Philharmonic, cách quán một con đường để nghe nhạc chùa (khỏi tốn tiền). Năm đó xuân xanh tôi mới 15 còn Phạm Duy 25.
      Gái nhảy (taxi girl, vũ nữ ) có hai cô đẹp nổi tiếng Hà thành là Định và Thơm, phục vụ thường xuyên ở quán Tabarin. Cả hai cô không hiểu sao đều mê các nhạc sĩ cả. Riêng cô Định khoái Bố già nên đã có thời gian về ăn ở với ông luôn. Theo lời nhạc sĩ, cô Định đẹp lộng lẫy kiêu sa như gái nhà lành. Tuy nhiên đương sự có tính đồng bóng, vui buồn thất thường nên rất khó chiều chuộng.
      Bữa đó, mới bảnh mắt ra, cô lên cơn điên, đứng chống nạnh, trợn mắt quát PD: Mày là ai, đến đây làm gì ? Bố già bèn thộn mặt ra không biết phản ứng thế nào? Dĩ nhiên, hôm trước hai người vẫn vui vẻ với nhau bình thường. Nhưng chỉ ít phút sau, người đẹp đã hồi tỉnh và lại dễ thương như chưa có chuyện gì xảy ra. Đến đây xin phép được Tếu một tí, theo tôi, PD lúc đó đã kém thông minh! Nếu tôi là đương sự, tôi sẽ trợn mắt quát lại: Tao là...mày, mày muốn gì? Ối dào, mày điên, tao khùng, chưa chắc ai đã thắng ai! 
     Để kỷ niệm những ngày thần tiên sống bên nàng, ông đã sáng tác một bản nhạc với ca từ cực kỳ lãng mạn, thắm thiết mà cho đến nay chưa ca sỹ nào dám trình diễn trên sân khấu cả. Bản nhạc có tựa đề "Tình kỹ nữ" và tôi sẽ hân hạnh mời mọi người thưởng thức ở cuối bài.
      Ngày 19 tháng 12 năm đó, chiến tranh với Pháp bùng nổ. Phạm Duy và tôi cũng như những người yêu nước khác đều lên đường, bỏ thành phố, ra bưng theo Việt Minh để tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ. 
      Một thời gian sau, từ trên chiến khu Việt Bắc, chúng tôi nghe tin cô Định đã chết một cách thê thảm, đói khổ vì bệnh ho lao tại Sài gòn. Đời quả là bể khổ thật!
      Để chấm dứt bài viết, mời cùng nghe "Tình kỹ nữ ", do Thầy giáo vì không còn gì để mất nên đã can đảm trình diễn, dĩ nhiên là chỉ ở trên mạng.
https://www.mediafire.com/download/x0czy8xcrgd70pj
Nguyễn ngọc Đường
*Ps_ Bài này không có trong karaoke nên tôi đã phải tự biên tự diễn.
Back to top
« Last Edit: 05. Jun 2018 , 07:28 by Nguyễn Ngọc Đường »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #356 - 08. Jun 2018 , 06:39
 
"Hà nội yêu dấu"
       Ngày 19 tháng 8 năm 1945, sau khi VM cướp chính quyền ở Thái Nguyên, gia đình tôi sợ bị hỏi tội nên chỉ trong một thời gian ngắn đã bán nhà và âm thầm cuốn gói về Hà nội. Khi đã ổn định được chỗ ăn ở, Bố xin được việc làm trong hãng bột talc, Mẹ và Chị xoay qua làm bánh dợm, bánh khúc để anh người làm đem đi bán dạo.
   Ngày xưa tình cảm giữa người làm và chủ nhà thật gắn bó và thương nhau như trong một gia đình. Anh người làm tên Huệ và đã giúp việc nhà tôi đến gần 20 năm, kể từ khi tôi mới sanh ra. Khi chúng tôi về Hà nôi, anh nhất định xin đi theo và tình nguyện làm không lương vì biết nhà tôi nghèo, tiền đâu để trả cho anh.
   Mùa Thu năm 1946, trường trung học Nguyễn Trãi mở kỳ thi tuyển học sinh vào lớp đệ Thất và tôi may mắn đã trúng tuyển. Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đi thi, Bố đưa đến tận cổng trường và dặn dò phải cố gắng đậu vì gia đình không có tiền cho tôi học trường tư. Buổi trưa hôm đó thật sung sướng muốn rơi nước mắt vì lần đầu tiên trong đời, tôi được Bố ưu ái dẫn đi ăn cao lâu ở phố hàng Lọng, Cửa Nam.
    Năm đầu học trường Nguyễn Trãi, mỗi ngày Bố cho mấy xu để đi tầu điện. Trường lúc đó toạ lạc tại vườn Bách Thảo, tuy hơi xa nhưng tính tham ăn nên tôi đã đi bằng lô ca chân, dành mấy xu để ăn quà vặt. Gia đình thuê nhà ở Ô Cầu Rền gần Chợ Mơ, đi đường tắt phải qua phố Hàng bông Thợ Nhuộm, quãng đường cũng khá dài, phải lội bộ khoảng hơn một giờ mới tới trường.
    Dạo đó món ăn thích nhất của tôi ngoài Phở là món Mì xào mề gan gà. Sau khi để dành đủ tiền, tôi lội bộ từ Ô Cầu Rền lên phố hàng Buồm cả mấy cây số tới tiệm ăn tầu Siêu Nhiên để thưởng thức món ăn khoái khẩu đó. Thật là chân hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời được. Lúc còn bé, mỗi khi nhà có Giỗ hay tiệc tùng tôi chỉ thích ăn món gan, lợn hay gà gì cũng xơi ráo vì nó bùi bùi ngon hết xẩy. Sau này khi tới Mỹ tôi đã mua cả ki lô gan lợn về luộc để ăn cho bõ ghét nhưng than ôi sao nó tanh quá xơi không nổi đành phải vứt hết vào thùng rác. Có người mách nước, bảo đem gan ngâm vào sữa tươi một đêm rồi luộc thì sẽ hết tanh ngay và quả đúng như vậy nhưng mất công quá, hơn nữa gan là kho chứa cholesterol đấy.
     Ở phố Huế, gần chợ Hôm có một tiệm phở Tầu cũng hấp dẫn lắm. Mẹ tôi mỗi lần đi chợ, nếu được tháp tùng, thường cho tôi xơi món phở đặc biệt này. Thịt bò, hầm bà làng đủ thứ, được cho tất cả vào một cái thố khá lớn rồi ninh lên thật nhừ với nước và nêm nếm bằng ngũ vị hương thơm lừng. Lúc khách ăn, chủ tiệm chỉ dùng cái môi múc cả thịt lẫn nước chan vào bát bánh phở là tuyệt cú mèo, đại khái giống như phở bò kho nhưng sao nó lại ngon quá xá dzậy. Có lẽ tại lúc đó đương tuổi học trò, nhà lại nghèo nên bị đói kinh niên chăng !
    Nhập trường độ một tháng, chắc Bố thấy đi tầu điện cũng vất vả nên cho tôi trọ học tại nhà một người bạn, cư ngụ trong một làng nổi tiếng về nghề trồng hoa có tên là Ngọc Hà, ở sát bên cạnh vườn Bách Thảo. Thế là, từ nay tôi không có một đồng xu dính túi vì đi bộ đến trường đâu còn cần đến tầu điện nữa.
    Cùng trọ học có mấy anh lớn tuổi học lớp trên, vì tôi là nhỏ nhất nên thường bị các anh chọc ghẹo đôi khi đến phát khóc.
Thỉnh thoảng cũng được các anh tội nghiệp cho đi ăn ké ở các tiệm Cao lâu. Có lần khi ăn xong, mấy anh lén giấu vài đĩa thức ăn vào trong bụng hay túi quần. Tính tiền xong bèn cứ tỉnh bơ ra về thong thả. Sau này tôi mới hiểu, thì ra tiệm ăn Tầu hồi đó tính tiền theo đĩa. Mấy anh giấu bớt đĩa đi vừa đỡ tiền lại có đồ xài, thật ma mãnh quá chừng.
    Thấm thoắt đã sắp tới Nô En thì đùng một cái, đêm 19 tháng 12, chiến tranh toàn quốc bùng nổ, tôi phải bỏ học theo gia đình, tản cư cùng với dân Hà thành hoa lệ ra các vùng ngoại ô. Từ đó mọi người bắt đầu một cuộc sống du mục, lang thang đói rách trong một thời gian khá dài. Một ngày đẹp trời, lũ Tây mở những trận càn quét để mở rộng vòng đai an ninh quanh Thủ đô. Một số người biết tiếng Tây, trong đó có Ba tôi đã bị chúng bắt đem về Hà nội, bỏ lại bao gia đình trong thảm cảnh chết chóc phân ly.
     Cuối năm 1951 tôi mới có dịp trở lại thủ đô yêu dấu sau khi đã giang hồ, bụi đời  5 năm trên núi rừng Việt Bắc.
    Về Thành, Bố đã sửa lại khai sinh, từ 20 tuổi tuột xuống còn 16 để ăn phụ cấp của Tây. Cũng nhờ ăn gian tuổi và học nhẩy, tôi đã rút ngắn chương trình 4 năm còn có 2 và đã đậu bằng THĐNC năm 1953. Có được tấm bằng, lúc đó tương đối còn hiếm, tôi được người bạn giới thiệu kèm một học sinh lớp đệ Thất với thù lao 100đ mỗi tháng. Thật là xúc động, lần đầu tiên nhận được tờ giấy 100đ từ tay mẹ học trò và cũng là số tiền khá lớn kiếm được từ lúc về Thành, do sức lao động của mình và lại bằng nghề dạy học.Tôi nghĩ chắc cũng có duyên nghiệp gì đây, vì Bố Mẹ tôi xuất thân vốn đều là Nhà Giáo cả. Nghề dạy học đôi khi cũng hơi...bạc bẽo nhưng thật là một nghề cao quí, được mọi người quí trọng và tôi đã gửi gấm vào trong đó cả cuộc đời của mình sau này.
    Lúc mới hồi cư, Bố mỗi tháng phát cho 100đ để ăn quà và tiêu vặt. Sau này thấy tôi có nghề gia sư và đã kiếm được tí tiền còm, ông bèn giảm xuống còn 50đ, tôi nghĩ chắc cũng do sự cố vấn của bà Dì... thân mến mà thôi. Tuy nhiên, cuộc đời của tôi từ nay bắt đầu lên hương, mỗi tháng 150đ, tha hồ tiêu pha vung vít. Phở tái, phở xào, áp chảo, cháo thập cẩm...ăn tuốt luốt cho bõ những ngày cơ cực.
    Gia đình tôi thuê nhà của nhiếp ảnh gia Võ an Ninh ở phố Goussard, nhưng chỉ ở trên lầu, còn dưới nhà vẫn thuộc phần gia chủ. Thời gian này Bố làm Thư ký cho trường trung học Albert Sarraut nên lương lậu cũng khá hơn hồi làm cho hãng bột talc. Lương của Bố nuôi sống cả một đại gia đình gồm Vợ, Mẹ vợ, và 3 dòng con: con ông, con bà và con chúng ta, tất cả 9 người, thật...dễ sợ. 
    Nhà tôi ở bên cạnh phố Huế, sát ngay chợ Hôm và gần đó có 2 tiệm phở mà tôi thường hay ăn, đó là Tân Tân và Hàm Long. Lúc còn khá tiền thì xơi phở tái 5đ, khi nào cạn tiền thì chịu khó đi xa đến phố Hàm Long vì phở ở đây rẻ, ngon chỉ có 3đ. Ngoài ra, có món phở nhừ, tức là thịt lấy ra từ xương bò đã hầm kỹ gọi là xíu oắt. Chưa hết, đặc biệt còn thêm món phở tuỷ tuyệt vời nữa. Chao ôi, viết đến đây nước miếng của tôi đã chẩy ra rồi, quí vị ạ. Hà nội hồi năm 53 cũng có vài hàng phở thật ngon ở rải rác chung quanh Hồ Gươm và Phố Cổ như phở hàng Than, Đông Mỹ, Kim khánh, Cầu gỗ...còn những hàng phở được diễn tả bởi những nhà văn như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng có thể đã tuyệt tích giang hồ hết cả rồi.
     "Phở Gà"_ Hàng phở Gà này rất đặc biệt có thể gọi là ngon nhất Hà nội và chỉ là phở gánh, bán khoảng từ 6giờ đến 8giờ sáng là dẹp tiệm. Hàng phở Gà chiếm một chỗ cố định tại phố Huyền Trân Công Chúa, thịt gà toàn là gà Sống Thiến và gà chặt thành từng miếng, tuỳ theo ý thích của khách, bán đến đâu chặt đến đấy. Buổi sáng trước giờ đi làm mà xơi được một bát phở gà ở đây thì vất vả lắm. Trước hết phải đến trước 6 giờ và xếp hàng, tay cầm sẵn bát chỉ có bánh phở, để lát nữa ông hàng phở sẽ chặt thịt gà cho vào bát theo ý của mình. Nó mất nhiều thì giờ vì thịt gà không được chặt sẵn, và lại tuỳ theo ý của khách nghĩa là ông thì thích đùi, ông thích cánh, phao câu, lườn, ức, lòng gà...đủ thứ hầm bà làng, có khi đến lượt mình thì chỉ còn bánh phở và nước dùng mà thôi.
    Sau khi may mắn đã có đồ nghề trong bát rồi thì cứ tự động đi ra chỗ thùng nước dùng, muốn chan bao nhiêu cũng được, nhưng tham quá thì anh đến sau đành xơi phở khô thôi, dĩ nhiên ông hàng phở không chịu trách nhiệm về cái vụ hết nước lèo này. Nước dùng gà của ông hàng phở đúng là số 1, ngọt thịt và thơm điếc mũi. Sau này khi vào Sài gòn, theo tôi chỉ có tiệm phở gà ở đường Trương tấn Bửu là khá ngon, còn phở gà Hiền vương thì chất lượng hơi dở.
    Năm 1999, vợ chồng tôi có dịp về thăm Hà nội lần thứ nhất, tìm lại căn nhà cũ năm xưa, nhưng nay đã hoàn toàn biến đổi. Nhà được đổi chủ, bên dưới trở thành chỗ bán tạp hoá và gần đó tiệm phở Tân Tân nay biến thành quán bán miến Lươn. Thật bất ngờ, cô hàng bán miến xinh xinh lại chính là cháu ngoại ông chủ tiệm phở Tân Tân năm nào...      
Nguyễn ngọc Đường   
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #357 - 10. Jun 2018 , 10:34
 
Hát Quan Họ
    Để thực hiện đúng lời hứa với quý em, tôi phải tập vất vả mới hoàn tất được bài hát Quan họ nửa mùa này. Gọi là "nửa mùa" vì không phải là QH đúng nghĩa mà chỉ có hơi hướng một tí thôi. Đừng khó tính, xài đỡ cho vui nhé 😂
https://www.mediafire.com/download/qso5upbf71b02p8
Nguyễn ngọc Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #358 - 13. Jun 2018 , 14:11
 
“Hai bên cùng có lợi” 
     Đã từ lâu, ở Little Sài gòn, có một vài tổ chức và một số cá nhân đã xử sự với nhau theo bài bản quen thuộc của VC là "hai bên cùng có lợi". Còn ngoài ra thì sống chết mặc bay, ám chỉ đám dân đen đang khốn khổ vì bị bóc lột tận xương tủy ở trong nước hiện giờ. Bọn này thuộc đủ thành phần như thương gia, nhà báo, nhân sỹ, nghệ sĩ, trí thức…v…v…hầm bà làng. Họ có một mẫu số chung, lúc nào cũng ra vẻ là người quốc gia và chống cộng dữ đội lắm. Đó là ở bên ngoài, còn bên trong vẫn âm thầm đi đêm với VC để kiếm danh, lợi và…tình. Tóm lại, hai bên đều "vô tư" hưởng lợi, chỉ có dân đen là bất lợi, dĩ nhiên bọn chúng kệ xác và không hề quan tâm.
     Ngày xưa, lũ này mang danh là dân tị nạn chính trị để được nước Mỹ cưu mang. Nhưng lâu dần, no cơm ấm cật, sống phè phỡn họ biến dần thành tị nạn kinh tế lúc nào không hay. Họ như những con tắc kè, biến đổi theo thời tiết, gió chiều nào xoay chiều ấy, miễn sao có lợi cho mình, cho gia đình mình là được. Nói theo kiểu chính trị thì họ là những người cơ hội, theo đô la chủ nghĩa, không có tổ cuốc tổ cò gì cả, nghĩ thật đáng buồn.
     Trong một số bài kỳ trước, tôi đã cảnh giác mọi người là VC đã đầu tư rất nhiều đô la để mua chuộc tụi mắc gió này, kể cả truyền thông báo chí, truyền hình... Ngay cả những bậc lão thành đã có một bề dầy lịch sử, tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và chống Cộng rất đáng nể thì nay hình như đều mệt mỏi, đầu óc đã  kém sáng suốt không còn được như những ngày xưa ấy... Lâu lâu, quý vị lại được chúng đem trình diễn trên sân khấu làm bình phong, làm cảnh cho bọn chúng lợi dụng đằng sau, nhằm mục đích thủ lợi cho cá nhân, phe nhóm hoặc đảng phái... mà thôi. 
    Những người có tâm huyết thì nghèo, bất lực, không có phương tiện để phổ biến rộng rãi những cái gian manh của bọn việt gian, cộng sản nằm vùng cho quảng đại quần chúng biết. Báo chí thì câm như hến vì bị mua chuộc nể nang hoặc sợ bị liên lụy bể nồi cơm, mất quyền lợi...
    Than ôi, tổ quốc lâm nguy, mất ngay hay sẽ mất từ từ thì cũng...thế thôi. Con cháu chúng ta sẽ theo gương ca sỹ Chế Linh, ngậm ngùi hát bài Hận Sài Gòn, thay bài Hận Đồ Bàn mà đương sự đã trình diễn ra rả ngày nào.
     Vậy thì chỉ có một con đường duy nhất là toàn dân hãy đứng lên làm lịch sử, phá bỏ chế độ CS, kiến tạo một nhà nước pháp quyền, tự do, dân chủ và văn minh.
    * Biểu tình, xuống đường, kiến nghị... Cái kịch bản này làm hoài mà không có kết quả nhúc nhích gì được cả, tại sao dzậy?
      Như tôi đã có dịp phân tích trong một số bài, lý do cốt lõi là quá yếu, thiếu lực lượng, kém tổ chức, rời rạc không đồng loạt. Theo tôi, trong tình huống hiện tại, ta chưa cần phải có một lãnh tụ anh minh đứng ra để làm đầu tầu, giống như bên Miến Điện. Kịch bản này dễ bị thất bại vì bọn CA sẽ mau chóng bỏ tù lãnh tụ và thế là tan hàng ngay.
      Đầu tiên ta phải xài chiêu "Nông thôn vùng dậy", kế tiếp đến chiêu "Nông thôn bao vây thành thị " sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Đại loại sẽ diễn tiến như sau :
*Giai đoạn 1_ Việt Nam có tất cả 58 tỉnh và 5 thành phố.
     Thời gian gần đây, tại một số thành phố, tỉnh lỵ, nhân dân đã đồng loạt đứng lên biểu tình, kiến nghị với số người đông đảo tới vài chục ngàn, tiến bộ hơn ngày trước rất nhiều. Đó là một khích lệ to lớn, tạo nên một ngọn lửa, gây xúc động lương tâm đến những người xưa nay vốn vô cảm. Tuy nhiên, "sự cố" xẩy ra ở những thành phố lớn thì dễ gây được tiếng vang với quốc tế cũng như với dân hải ngoại nhưng sẽ khó kéo dài và dễ bị tàn lụi. Lý do : lực lượng bảo vệ của chính quyền trung ương rất mạnh và hành động có bài bản. Họ sẽ tỉa dần những phần tử chủ chốt nguy hiểm ra khỏi đám đông. Không có người cầm đầu khích động, đa số dân biểu tình vì miếng cơm manh áo, công ăn việc làm cũng sẽ từ từ giải tán mà thôi. Mặt khác, nếu xẩy ra bạo động, họ cũng đủ lực lượng để trấn áp dù có phải đổ máu như ở Thiên an môn. Trừ trường hợp quân đội thức tỉnh, quay súng trở về với nhân dân thì đó sẽ là một kịch bản tuyệt vời. Ngoài ra, theo tôi, ta nên hành động theo thứ tự như sau :
     Ở nông thôn, nơi các vùng quê xa xôi, nhân dân phải tự đứng lên chiếm lấy các trụ sở làm việc, bắt giam cán bộ, nhân viên văn phòng và làm chủ tình hình. Cảnh sát, công an bất lực vì số lượng ít, quá yếu nên sẽ phải đầu hàng. Kịch bản này dễ thành công, chỉ cần một vài người có tâm huyết chịu hy sinh là có thể thực hiện được.
     Muốn có kết quả khả quan, kịch bản này phải xẩy ra đồng loạt trên toàn quốc, ít nhất cũng phải được đa số các tỉnh thành hưởng ứng.
*Giai đoạn 2_  Sau khi đã làm chủ tình hình, khống chế được nông thôn thì ta thực hiện giai đoạn 2 là bao vây những thành phố lớn như Sài gòn, Hà nội... Ta sẽ áp ụng biện pháp phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tất cả cư dân trong thành phố, kể cả chính quyền, cán bộ... từ từ sẽ thiếu thực phẩm tươi, thiếu nước... phải tiếp tế bằng đường hàng không rất vất vả, khốn khổ. Sức chịu đựng có hạn, mọi người sẽ liều mạng đứng lên làm cuộc cách mạng lật đổ vì không còn sự lựa chọn nào khác. Lúc đó trong đánh ra, ngoài đánh vào chắc chắn Nhà nước CS sẽ phải đầu hàng và... sập tiệm. Thế lúc đó quân đội sẽ phản ứng thế nào?
      Ối dào, kịch bản này hơi khó bàn, ngoài khả năng của người viết, mong quý vị thức giả cùng nhau góp ý để tìm ra một giải pháp tốt đẹp nhất. Cầu nguyện xin đừng để xẩy ra một Thiên an môn thứ hai tại quê hương yêu dấu của chúng ta.
Nguyễn ngọc Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #359 - 14. Jun 2018 , 06:12
 
"Tôi muốn"
     Hôm nay, tôi giới thiệu với quý thân hữu một nhân vật đặc biệt trong giới nghệ sĩ sáng tác: nhạc sĩ Lê hựu Hà. Ông là người đầu tiên mang một luồng gió mới vào nền tân nhạc VN, đó là nhạc trẻ, nôm na là nhạc Rock của Mỹ? Ông sáng lập ra ban nhạc Hải âu, cùng với Nam Lộc, Trường Kỳ, trình diễn lần đầu trong Đại hội nhạc trẻ năm 1966 tại Sài Gòn. 
     Nhạc sỹ Lê hựu Hà sanh năm 1946 tại Biên Hòa và qua đời năm 2003 tại Sài gòn. Ông là con người tài hoa, say mê âm nhạc từ lúc còn nhỏ, đã có sáng tác đầu tay năm 17 tuổi. Ông đã lập ra nhiều ban nhạc như Hải âu, Phượng hoàng, Mây trắng...nhưng nổi tiếng nhất là ban Phượng hoàng năm 1970, với Elvis Phương và Nguyễn trung Cang.
     Cuộc đời của ông thật gian nan, nhiều sóng gió. Ông đã trải qua 4 đời vợ, tất cả đều dang dở. Ông đã ngủ yên trong cô đơn lạnh lẽo từ ngày 9/5 nhưng mãi đến 11/5 mới được phát hiện, với tư thế nằm ngửa trên giường và TV còn chưa tắt. Người vợ thứ tư của ông là ca sỹ Nhã Phương lúc đó đang ở tình trạng ly thân, sống với hai con bên gia đình bố mẹ đẻ. Thật là đại bất hạnh, lập gia đình bốn lần mà khi lìa trần vẫn...mồ côi vợ.
     Nhã Phương tâm sự với khán giả trong một cuộc phỏng vấn, đại ý như sau: "Tôi yêu anh ấy lắm chứ, nhưng có lẽ do duyên nợ tôi mới lấy anh? Trong sinh hoạt hàng ngày, anh luôn thể hiện là hai con người hoàn toàn khác nhau. Ở ngoài đời, với bạn bè, anh rất khiêm tốn dễ thương. Nhưng trong gia đình lại nghiêm khắc khó khăn, hay hành hạ vợ con. Đặc biệt là có máu ghen khủng khiếp, có lần anh xiết cổ tôi vì đi hát đêm về trễ. Tôi sống với anh 23 năm, anh thất nghiệp dài dài và tôi phải vất vả kiếm sống nuôi gia đình. Nói đúng ra, tôi không có hạnh phúc nhưng vẫn phải chịu đựng vì thương các con".
     Giời ơi, cõi đời muôn năm vẫn là bể khổ, nhưng mỗi người lại khổ kiểu khác nhau. Nhạc sỹ Y Vân tuy nghèo nhưng để bù trừ, lại vô địch về sản xuất tí nhau, tám cô cậu cả thảy. Còn nhạc sỹ Lê hựu Hà cũng nghèo nhưng Trời lại cho ông vô địch về nhiều vợ, tổng cộng là bốn bà. Cả hai nghệ sỹ đều gặp nhau ở một điểm là không được thọ: Y Vân lìa trần năm 60 và Lê hựu Hà năm 53 tuổi.
     Gia tài âm nhạc của ông khoảng chừng 50 bài, đa số được mọi người nồng nhiệt đón nhận. Những ca khúc tiêu biểu như: Vào Hạ, Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Tình đã quên mình...Ông đã viết lời cho nhiều  ca khúc ngoại quốc, nổi tiếng nhất là nhạc phẩm "Đồng xanh".
     Viết đến đây lại chợt nhớ đến bố già PD của tôi. Có lẽ tương đối, so với các đồng nghiệp, ông không nghèo, chỉ có một vợ nhưng lại sống lâu, ngoài 90 mới bỏ cõi trần. Tôi đã tìm thấy lý do tại sao ông sống thọ? Trong thời kháng chiến, mỗi khi nhóm văn nghệ sỹ đi về thôn xóm để giúp vui thường được nhân dân đãi ăn uống tử tế, thịt rượu đàng hoàng. Hôm đó có Hoàng Cầm, Văn Chung, Văn Cao, Lê Đạt, Phạm Duy...ngồi chung một mâm. Mọi người cùng nhâm nhi, ngâm thơ uống rượu, chuyện nở như pháo ran nhưng riêng Bố già thì chỉ "vô tư" cắm đầu...ăn. Đến lúc mọi người muốn xơi thì hỡi ôi, nhìn thấy đã gần hết "mồi" và thủ phạm chính là Bố già. Té ra PD, cả đời không biết uống rượu, không biết hút thuốc lá, chỉ chuyên trị "ăn" và giỏi nghề "em bé" thôi. Nói chung, đa số các văn nghệ sỹ đều vướng vào hai món độc là rượu và thuốc lá, đôi khi cả thuốc phiện nữa, nên dễ chết sớm và ít người được phây phây như Bố già.
     Tôi còn nhớ như in, Bố già có lần phát ngôn trên sân khấu: Tôi đã cưỡi cổ ngay nhạc trẻ qua bài "Em hiền như ma sơ ". Hôm nay để về phe với Bố già, tôi cũng liều hát một bài nhạc trẻ "Tôi muốn" của Lê hựu Hà. Nói là liều vì cỡ tôi, già cúp bình thiếc rồi mà dám hát nhạc trẻ thì cũng còn gân đấy chứ! Thân ái mời quý bạn cùng thưởng thức. http://www.mediafire.com/listen/a0skun1tejfx0rt/
Nguyễn ngọc Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
Pages: 1 ... 22 23 24 25 26 ... 28
Send Topic In ra