...tiếp theo....
Chị Sáu nhìn sâu trong mắt Trâm như thể đo lường hay tìm kiếm một cái gì trong đôi mắt mầu nâu đẹp. Chị thở dài cúi xuống đất mà nói :
- Đâu có từ!! Có lần nó ngủ lại chơi qua đêm. Tao rủ nó ở lại. Nó nằm trên căn gác mà mày với thằng Ngàn ở đó. Thằng chả mò lên với nó. Nó đạp tung thằng cha ra. Mày thấy đó – con Lệ cao lớn và to con.
Nó nói : - “Bố” đừng có làm như vậy. “Con” không thích. “Con” la lên bây giờ đó !.
Trâm hỏi : Nó kể lại cho chị nghe hả ?
- Ưà ! Trước khi đi về, nó kể cho tao nghe. Lúc hai đứa đi bộ ra tận đường cái để nó đón xe về Chợ Lớn.
Chị Sáu kể tiếp. Con này là “Ba Tầu” nó thật thà kể tao nghe, có lẽ vì nó cũng thương hoàn cảnh của tao. Cho dù nó không kể tao cũng biết. Khuya thằng chả làm bộ đi đái rồi trèo lên gác. Tao nhìn thấy hết, tao nín thinh. Sáu kết luận câu chuyện bằng cách nhắc lại : “ Hôm nào mày nhắm dắt tao ra phường xin cho tao ghi tên vô hộ khẩu nhà thằng cha nha”.
Trâm hứa sẽ dọ tìm trước xem có ai quen trong quận 10 của chị không. Hai chị em sẽ tìm dịp để cho tên chị Sáu vô tờ hồ khẩu của ông già. Vì Sáu ta lo nếu một ngày nào đó vợ con ông già bảo lãnh hai cha con đi về Tây, Sáu ta có tên trong hồ khẩu còn hy vọng ở lại giữ căn nhà. Chứ không có tên, thì chính quyền cộng sản nó lấy mất. Sáu ta sẽ mất “cả chì lẫn chài”. Mấy năm “ở đợ và nằm ngửa” không công !
Vì những hệ lụy tình cảm của hai người đàn bà cùng cô độc trong thời buổi nhiễu nhương, khó mà tin ai được. Một cái xã hội mới vô thần. Không còn đạo đức đã đẩy họ lại gần với nhau, biết nhau và thân với nhau từ đó .
Từ ngày chồng chết. Trâm bây giờ như con người mới. Cô hồi sinh và sống vui vẻ với hai con. Mỗi buổi sáng cuốc bộ đi học thêu. Ngước nhìn trên ngọn cây cao. Cô thấy lá vẫn xanh, bầu trời vẫn sáng. Mây trắng vẫn bay. Trâm yêu đời hẳn lên và sống trong tình yêu mới với Ngàn. Mong ngày thuận tiện má Ngàn đến “nói chuyện” với cụ nội Ngọc, để cưới xin Trâm về cho Ngàn .
Hạnh phúc trong tay. Họ như đôi uyên ương đẹp trong những ngày u tối của dân tôc. Họ yêu nhau trong sự nghèo đói, lầm than. Dân chúng thành phố lần lượt bị đẩy đi vùng kinh tế mới, như sự tiên đoán của ba mẹ Bảo Ngọc. Trâm cũng đã có những người bạn các chị phải di dân về vùng Bình Tuy làm than, hay dọn về vùng kinh tế mới khi xưa là chiến khu D, để làm rẫy trên những mảnh đất khô cằn sỏi đá không có nước. Đào được con giếng thật vất vả. Phải đào thật sâu họa hoằn lắm mới có nước. Trong khi chồng của các chị bị đầy ải đi miền Bắc lao động trên những vùng sơn lam chướng khí của Ba Vì hay Hoàng Liên Sơn với những manh áo tả tơi không đủ ấm thân.
Tưởng là được hạnh phúc bên Ngàn bù đắp cho những ngày quá phụ nuôi con. Ai ngờ đâu một hôm, mẹ Trâm xuống nhà cho con gái hay. Bà đã móc nối được chuyến vượt biên cho ba mẹ con Trâm. Đi theo diện người Hoa Kiều – Nghiã là đăng ký đi bán chính thức. Đỡ nguy hiểm hơn, nhưng bù lại giá vàng cũng nặng hơn. Trâm phải dắt hai con đi xuống Cà Mau gấp.
Cái tin phải ra đi lúc này với Trâm không còn hào hứng như lúc trước nữa.
Trâm ba chân bốn cẳng phóng xe xuống cho chị Sáu và ông Già biết tin.
Ông Già khuyên Trâm nên thu xếp đi – càng sớm càng tốt. Vì tương lai hai đứa nhỏ.
Trâm ngần ngừ cho biết ý của mình : Còn Ngàn ??
Ông Già bảo để ông bàn với Ngàn - Nhờ Ngàn giúp đưa mẹ con Trâm xuống Cà Mau bằng xe đò, đường đường chính chính. Như cảnh vợ chồng dắt hai con đi thăm bà con ở quê vậy. Vì Ngàn là công nhân viên nhà nước. Giáo viên thể dục thể thao. Ngoài ra Ngàn còn là cầu thủ bóng đá của đội tuyển quận 4. Ngàn xin giấy phép hẳn hoi đưa mẹ con Trâm về quê thăm bà con. Một bức tranh thật đẹp qua mắt được bọn công an áo vàng.
Trâm im lặng cúi đầu không nói. Trâm không biết là nên vui hay buồn. Ra đi vì tương lai học hành của hai con thì đã đành, nhưng còn Ngàn …. Bao giờ mới gặp lại được ??
Lòng Trâm như lửa đốt. Cô đã lụy vì tình.
Anh Ba Già nhìn thấy hết lòng Trâm. Ông già nói :
- Cô Trâm! Em phải can đảm đem hai con đi trước. Chuyện anh Ngàn từ từ tính sau. Tất cả vốn liếng của cô là tương lai hai đứa bé này. Vì hoàn cảnh phải chia tay. Người đi trước, kẻ đi sau. Vài năm sau cô sẽ gặp lại anh Ngàn ở một phương trời xa, một đất nước mới. Chứ không thể để chết chùm một nút ở cái điạ ngục cộng sản này được.
Khi được biết Trâm sẽ nhờ Ngàn dắt ba mẹ con đi xuống Cà Mau với giấy phép hẳn hoi. Cụ nội và mẹ Trâm mừng rơn.
Ngàn được tin Trâm ra đi. Anh chàng buồn lắm. Nhưng cắn chặt lòng đau xuống tận tâm can. Ngàn hứa sẽ thu xếp với sở để có giấy phép đi đường hợp lệ cho mấy mẹ con. Và Ngàn sẽ đích thân đi cùng với Trâm và các con xuống tận cái tầu, mà nó sẽ đưa mẹ con Trâm rời khỏi quê hương. Rồi chính Ngàn sẽ đem tin tức về cho cụ nội và mẹ Trâm .
Kế hoạch đó của Ngàn ai cũng hỷ hả an tâm.
Dĩ nhiên Trâm biết cũng có những lời “đẩy cây” của anh Ba Già với Ngàn. Những lời nói xem ra có vẻ cảm thông, an ủi. Nhưng nó kết buộc Ngàn, cho Ngàn nhìn thấy vì hạnh phúc và tương lai của hai đứa bé và của Trâm. Ngàn phải làm một thứ anh hùng. Ngàn không được quyền tỏ vẻ lưu luyến hay ngăn trở sự ra đi của ba mẹ con Trâm.
Trâm biết và nhìn thấy hết câu chuyện. Trâm càng yêu Ngàn nhiều hơn.
Ngày đi xuống Cà Mau Ngàn bồng thằng cu em, một tay dắt đưá con gái. Trâm lẽo đẽo theo bên cạnh, y chang cảnh một gia đình hạnh phúc - vợ chồng con cái đuề huề.
Trâm nghèn nghẹn ở cổ, nước mắt lưng tròng. Ngàn không khóc, nhưng hai con mắt cũng lóng lánh ngấn nước .
Ngàn nói chuyện với hai đứa nhỏ nhiều hơn với Trâm. Ngàn dặn dò thằng cu em đủ thứ nào là : “Con không còn nhỏ nữa, con lớn bộn rồi. Con là con trai đó. Vậy con ráng trông mom chị gái và mẹ nhe. Con đi trước rồi “cậu” sẽ qua sau với con sau” .
Thằng nhỏ chả hiểu uống được bao nhiêu lời của Ngàn. Là con nít nó chỉ biết thích Ngàn, thương Ngàn vì Ngàn chiều nó, bồng nó đưa lên vai ngồi, làm diều cho nó thả, xếp giấy làm tầu cho nó chơi, chở hai đứa đi sở thú, đi ăn kem. Trí óc non nớt, với những lời nhắn nhủ của Ngàn. Nó linh cảm một chuyện gì đó sẽ xẩy ra. Thằng cu em chỉ biết bám chặt hai tay nhỏ vào cánh tay của Ngàn không chịu buông ra.
Rồi khóc : - Con không đi đâu cả . “ cậu Ngàn” phải đi với con cơ !
Ngàn lại phải ngồi xuống giảng giải trấn an, khuyên nhủ dụ dỗ đủ điều .
Ngàn nịnh nó, rồi phải hứa bừa là sẽ đi sau qua với nó. Một lúc lâu, nó mới đưa tay lên quệt nước mắt .
Buổi chia tay thật đau lòng và nhiều bịn rịn. Trâm không cầm được nước mắt, cô nắm lấy tay Ngàn nói lời giã biệt. Trâm hứa Trâm sẽ đợi chờ Ngàn….
Sau khi đưa mẹ con Trâm xuống đến tận Cà Mau, tìm đến địa chỉ người mai mối. Ngàn ở lại với mẹ con Trâm hai hôm nơi nhà người lạ. Buổi sáng ngày thứ ba có thêm một số người Hoa Kiều nữa đến. Khoảng trưa thì người chủ nhà dẫn về thêm vài người Hoa nữa Chiều đến mọi người bắt đầu ra đi bằng đủ mọi phương tiện để ra bờ biển .
Ngàn tháp tùng theo một đám người Hoa và mẹ con Trâm. Có nhiều công an mặc áo vàng – họ đã đồng ý nhận vàng bán bãi – do đó họ đứng đọc danh sách cho từng người vào đến khu đất có chiếc tầu sắt to đang nằm chình ình ở đấy. Trước đó Trâm đã phải dặn dò các con nhiều lần không được mở miệng nói một lời gì. Vì mình bây giờ là người Tầu. Nếu mấy chú công an mà biết mình là Việt Nam họ sẽ đem đi nhốt tù. Hai đứa bé xanh mặt, lấm lét khi thấy họ. Mẹ con Trâm thoát được lên chiếc tầu sắt. Ngàn đứng lại một mình trên bãi chừng một lúc. Anh thấy trời đã quá chiều – Bóng tối xuống đến nơi Ngàn đi bộ một lúc rồi kiếm chiếc xe ôm chở ra bến xe đò về lại Saigon trong đêm
Chuyến ra đi của Trâm theo diện người Hoa Kiều – Ra đi bán chính thức – cho nên cũng dễ thở rất nhiều, không phải trốn chui trốn nhủi. Ra đi đàng hoàng vì công an nhà nước đã đồng ý “ bán bãi” thu vàng. Nghe đâu chủ tầu phải trả vài trăm cây vàng cho họ.
Sau hơn ba ngày lên đênh trên biển. Mọi người ngồi như xếp cá hộp. Thật chật chội không sao duỗi chân ra được. Nghe mấy bà Tầu già ngồi gần đang xầm xì to nhỏ than trách chủ tầu vì tham lam đã cho một số dân “canh me” đi lậu chờ đêm tối lên thêm. Khiến cho số người thành ra nhiều hơn dự định. Quá nhiều người nên phải chật chội như thế này. Nếu dại dột vì nặng mà chìm thì thật bất công quá. Vì người Hoa đi trong danh sách phải trả mười hai cây vàng (12) cho một đầu người lớn – năm cây vàng (5) cho một đứa trẻ con. Còn tụi canh me lên sau nghe nói họ chỉ trả có hai(2) hay ba(3) cây vàng thôi
Đa số những bà Tầu già lầm rầm đọc kinh khấn vái. Một số ngồi đằng mũi tầu và cuối tầu thì đốt nhang – khói tùm lum bay muốn ngạt thở chết luôn.
Sang ngày thứ ba thì có hai tầu đánh cá Thái Lan cặp vào hai bên hông tầu.Chúng nhẩy ụp lên tầu. Mọi người dáo dác tròn mắt sợ hãi. Chúng cởi trần – da đen thui – phiá dưới đóng khố. Vâng chúng đóng khố chứ không mặc quần – dù là quần xà lỏn. Tóc tai dài và quăn tít. Có đứa cột thành đuôi, có đứa để xõa. Trông mặt mày chúng rất hung tợn. Trên tay cầm súng, có thằng vác búa. Đúng là một lũ cướp biển. Trông thật man rợ. Chúng xổ một tràng tiếng Thái - chả ai hiểu chúng nói gì - muốn gì. Có thằng chỉa súng lên trời bắn một tràng đạn thị oai dọa nạt dân trên tầu. Rồi chúng xông xáo đạp lên mọi người để đến những nạn nhận mà chúng nhìn thấy họ đang đeo bông tai, chúng lột bông tai vòng vàng , đồng hồ cà rá. Có một người đàn ông bị đánh bằng bá súng rồi một thằng khác xông đến bóp mồm ông ta há ra. Không ai hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Ngay lúc ấy thằng khác lấy buá đập vào mồm ông. Máu bắn tung toé. Nhiều người phải cúi mặt xuống dấu đi những sợ hãi và giòng nước mắt đau thương. Thương người và thương cả cho thân mình vì không biết khi nào đến lượt mình. Trâm chết lặng vì sợ. Toàn thân cô run lên. Trâm phải nghiến chặt hai hàm răng để khỏi bật thành tiếng khóc. Hai đứa trẻ úp mặt chặt vào người Trâm từ lúc đầu tiên khi bọn cướp vừa đặt chân lên sàn tầu. Trâm dơ hai cánh tay ôm chặt hai đứa bé vào lòng. Đầu cô gục vào với chúng như vừa bảo vệ hai con vừa tránh nhìn cảnh máu chảy trên tầu.
Chúng thu hết tiền của nữ trang vừa cướp được, rồi nhẩy xuống thuyền của chúng và lái đi. Sau này mới hiểu ra câu chuyện người đàn ông bị đánh bằng búa. Vì chúng nhìn thấy ông ta có chiếc răng bọc vàng, nên chúng bắt há mồm ra để bẻ lấy .
Mọi người kinh hoàng vì sợ, buồn bã vì mất của. Mấy đưá trẻ con thì khiếp đảm đến tê liệt không dám khóc, tay chân chúng chỉ biết ôm quặp bám vúi lấy người thân .
Dự định của người ra đi là mang một chút gì để sau này đến trại tị nạn – bán đi mà sống. Nay không còn gì ngoài hai bàn trắng trên con thuyền lên đênh giữađại dương bao la – nhìn đâu cũng biển nước. Nhưng mọi người lại vui mừng thầm vì chúng không xâm phạm tiết hạnh phụ nữ.
Sau cảnh ấy ai cũng thầm thì khấn nguyện. Người làm dấu lần tràng hạt .Kẻ Nam Mô A Di Đà Phật xin ơn trên cứu độ chúng sinh ….
...còn tiêp..