Một Kỷ Niệm Về Tháng Tư Buồn

Tù
Vào những ngày đầy nước mắt trong Tháng Tư đen 75, sau khi đã xoay trở đủ cách vẫn không tìm được lối thoát để ra khỏi Sài gòn, gia đình tôi đành chịu trận, phó mặc cho Thượng đế an bài. Nhìn cảnh hỗn loạn, tan hoang trong thành phố nhất là ở bến Bạch đằng, người ta xô đẩy nhau xuống biển để dành một chỗ lên tàu, thật tàn nhẫn, thê thảm. Lòng tôi bỗng trở nên nguội lạnh, chán chường, lặng lẽ dắt vợ con lếch thếch về nhà, và từ đấy bỏ hẳn ý định đi trốn. Lúc đó, ngoài vấn đề nguy hiểm, bất trắc cho gia đình, tôi cũng ngây thơ như mọi người, nghĩ là Thầy giáo thì súng đạn đâu để bắn nhau với "Cách mạng", đến nỗi phải có nợ máu với nhân dân! Mãi sau này khi đi tù cải tạo mới bật ngửa là ngay cả thầy Tu, thầy Giáo, Bác sỹ, Kỹ sư...v...v... đều có tội ráo. Có điều bất hạnh là đa số tù nhân đều thật thà không biết cách khai nên cứ tưởng mình vô tội, cho đến khi được quản giáo dậy dỗ mới sáng mắt ra bảo nhau...à ra thế !
Theo lệnh của UB quân quản thành phố, các công chức phải đến trình diện nơi nhiệm sở của mình để chờ lệnh. Ngày nào tôi cũng lái xe đạp vào trường thăm dò tình hình cùng các đồng nghiệp, mục đích tìm hiểu số phận mình sẽ ra sao trong những ngày tháng tới. Thật ra tôi cũng còn một cái xe hơi nhỏ để di chuyển nhưng đâu dám vác vào trường, sợ chọc tức CM thì bỏ mạng sa trường. Bao nhiêu câu hỏi nhức đầu được mọi người đặt ra, nhưng các câu trả lời đều được tuỳ tiện suy diễn, tựu trung đều tối mò như đêm ba mươi. Những ngày đầu tiên, tôi không nhớ rõ, hình như có một số cán bộ đến làm việc vớ vẩn như điểm danh, hỏi chuyện linh tinh nhưng không ai nắm vững vấn đề và biết đích thực phải làm gí nên rốt cuộc cũng đành chờ lệnh trên. Tôi đã sống với Việt Minh khá lâu trong thời kỳ kháng chiến nên biết rõ ít khi họ để mình thất nghiệp vì nhàn cư vi bất thiện. Rảnh rỗi lắm chỉ tụ họp lại bàn tán, phỏng đoán nhảm nhí, không ít thì nhiều cũng bất lợi cho mấy ông ở trong rừng. Bởi vậy, từ từ họ sẽ cho quản ca đến dậy hát hoặc cán bộ đến lải nhải về những bài học chính trị rẻ tiền, có khi còn vẽ ra một tương lai không khá để doạ mấy Thầy Cô đang ngơ ngác như mấy con nai vàng. Theo kinh nghiệm của tôi, mấy ông ở "trỏng" khoái cái món văn nghệ văn gừng lắm, vì ngoài việc đánh nhau đâu có gì để giải trí nữa. Trong hoàn cảnh đó, tôi bèn tự nguyện xông ra làm quản ca để hướng dẫn Thầy Cô tập hát những bài mắc...gió như Bão nổi lên rồi, Giải phóng miền Nam... cho hết giờ. Mình xung phong như vậy là gãi đúng chỗ ngứa của "Cách mạng" nên họ sẽ để mình yên trong một thời gian. Tuy nhiên trước khi uống thuốc liều, tôi đã nhình quanh và không thấy Cô Phượng Oanh đâu cả, chắc Cô đã nhanh chân di tản sớm rồi. Suy nghĩ lại thà phe mình quần thảo với nhau còn hơn để mấy ông cán ngố đứng trên bục ba hoa dạy dỗ lại càng thêm nhục.
Trong thời điểm hỗn quân hỗn quan này, ngoài một số cán bộ nằm vùng từ bóng tối nhẩy ra hoạt động công khai, lại nổi lên một đám quần chúng hồ hởi đứng ra ăn theo, được dân địa phương gán cho cái hỗn danh là cách mạng ba mươi. Vậy họ là ai? Là những người mới hôm qua chỉ là hàng xóm bình thường của mình, chẳng dính dáng gì đến nón cối cả, bỗng dưng hôm nay với cái khăn đỏ buộc trên cánh tay, đi với một lũ con nít hùng hổ kéo nhau đến mọi nhà để lục soát, thu góp những cái mà "Cách mạng" gọi là văn hoá đồi trụy.
Tôi có một tật dễ thương là mê văn nghệ văn gừng. Mỗi khi có dịp hướng dẫn để cùng nhau hát hỏng vui chơi thì tôi rất hăng hái tận tình. Lúc đó có thể vì méo mó nghề nghiệp nên tôi đã hết lòng chỉ dẫn để mọi người hát cho đúng bản nhạc, dù bản nhạc đó thuộc phe phái nào, cách mạng hay cách miệng hoặc cái khỉ khô gì nữa cũng kệ xác. Nhưng trong hoàn cảnh khốn khổ này mà vẫn gân cổ lên bắt mọi người hát thì quả thật đáng ghét vô cùng. Tất cả đều nhìn tôi với con mắt thiếu thiện cảm, không chừng còn vội vã gán cho cái tội nằm vùng hay Cách mạng 30 nữa. Một bài ca khi hát lên được gọi là đạt, ngoài việc phải hát đúng để tôn trọng tác giả còn phải diễn tả sao cho có hồn mới gây được cảm xúc nơi thính giả. Than ôi, lúc hát bài "Bão nỗi lên rồi" lòng tôi đang tan nát như tương tầu, bão lòng có lẽ còn dữ dội hơn cả bão giải phóng, còn hồn mình vất vưởng nơi đâu chính tôi cũng... hổng biết nữa. Hàng ngày cùng mọi người hò hét, được thưởng thức cái mặt thiểu não của nhau, tất cả đều như dài ra, thật chán mớ đời. Phần nữa, số người tham dự cứ rụng dần như lá mùa thu, chắc đã âm thầm rủ nhau tìm đường tự giải phóng! Thế rồi, một ngày đẹp trời, quản ca được lệnh phải đi trình diện, khăn gói quả mướp mang theo 10 ngày lương thực để đi học tập cải tạo, nhưng sau này đã được sửa là "Tù cải tạo" cho đúng nghĩa. Lúc từ giã các đồng nghiệp, tôi thoáng nghe văng vẳng từ phía sau có tiếng nói xa xôi của một bằng hữu thân mến: "
Ngỡ gì, hoá ra cũng phải đi học tập"
Hôm nay, trên diễn đàn này, tôi chân thành xin lỗi quí đồng nghiệp nào lỡ bị tôi hành hạ trong thời gian mắc...đó, và chẳng may nếu tôi có thái độ hay hành động gì làm quí vị không vui hoặc hiểu nhầm cũng mong quí vị thông cảm, tha thứ cho kẻ hèn này, dù đã quá muộn màng. Đến đây tôi tạm ngưng phần kỷ niệm... buồn vì còn mắc đi học tập và xin nhường phần còn lại cho các quí đồng nghiệp hữu duyên, được tiếp tục làm việc với nón cối dép râu trong những tháng ngày sau đó.
Hồi ký
Nguyễn ngọc Đường