Phuong_Tran
Gold Member
   
Offline

Thành Viên Hoạt Động Tích Cực *Năm 2011*
Posts: 10576
Gender:
|
Phương Tần wrote on 31. Jan 2009 , 04:21: TuyetNgo wrote on 03. Mar 2009 , 19:32:http://levanduyet.net/TrangVangCoVan/coNgothiVan-1
Tôi Làm Dâu Người Bắc Các cụ xưa thường bảo "con gái muốn lấy chồng thì Công, Dung, Ngôn, Hạnh phải hoàn toàn". Về phần tôi thì rất vụng về trong việc bếp núc, gia chánh; nhan sắc bị chấm dưới trung bình, không có tài nói năng bặt thiệp; trong bốn điều kiện kể trên, "Hạnh" có thể xem tương đối khá. Vậy mà tôi đã lấy chồng và lại làm dâu người Bắc! Nhớ lần đầu tiên sau đám cưới, chúng tôi phải đến nhà bác Trưởng của chồng tôi để giỗ cụ nội. Đêm hôm ấy trằn trọc mãi không ngủ được, vì lo không hiểu ngày mai phải làm dâu như thế nào. Giận mình đã không chịu học gia chánh trước khi đi lấy chồng, bây giờ có muốn học khoá cấp tốc cũng không còn kịp nữa. Khi đến nhà bác Trưởng, trong nhà đông chật người, tôi đã muốn chùng bước lại, nhưng vẫn phải làm gan chào mọi người, rồi đi thẳng vào trong bếp. Đây là "chiến trường" khó khăn nhất mà tôi phải đương đầu! Bác gái, các thím, các chị lăng xăng kẻ chiên, người xào, người chặt thịt, kẻ thái rau. Tôi đánh bạo đến thưa với bác dâu tôi: "Thưa bác có việc gì cho cháu phụ ạ" Bác nhìn quanh, rồi đưa cho tôi một bát có những cọng lá xắt nhỏ và bảo: "Gần xong hết rồi, thôi nhờ cháu rắc lá chanh lên hai đĩa thịt gà hộ bác." Việc gì chứ rắc lá chanh lên thịt gà thì quá dễ. Cầm bát lá chanh mà trong bụng mừng rơn. Không tìm thấy hai đĩa thịt gà đâu, tôi nghĩ có lẽ ai đã mang lên bàn thờ trước rồi. Vừa đi lên gác vừa nghĩ thầm - người Bắc ăn gì mà kỳ quá, người Trung mình ăn trái chanh chứ ai lại đi ăn lá chanh bao giờ; mà cũng may là lá chanh đã xắt sẵn, chứ ban nãy nếu bác gái đưa cho tôi bát lá chanh chưa xắt, chắc chắn tôi cứ việc vậy mà bỏ lá chanh lên đĩa thịt gà! Số mình vậy mà vẫn còn hên, nếu không sẽ làm trò cười cho thiên hạ. Trên bàn thờ, tôi thấy nào là thịt lợn, thịt bò, tôm cua xào; chỉ có hai đĩa màu nâu đỏ, cũng có đùi có cánh, tôi nghĩ chắc dây là hai đĩa thịt gà bác tôi đã noi. Thế là cứ việc rắc những sợi lá chanh lên hai đĩa thịt ấy, lại còn rắc vòng quanh vòng co cho nó có vẻ mỹ thuật. Xong việc, tôi cảm thấy hân hạnh là mình cũng có "đóng góp" trong ngày giỗ bên nhà chồng. Vừa đi xuống nửa cầu thạng, nghe giọng bà chị họ oang oang "thịt gà chặt xong rồi đấy, ai bỏ hộ lá chanh lên nhé". Thôi chết cha tôi rồi! Thế ban nãy tôi rắc lá chanh lên hai đĩa thịt gì? Đúng rồi, chắc là hai đĩa thịt vịt quay, ban nãy đã ngờ ngợ. Thế là ba chân bốn cẳng chạy vội lên bàn thờ, vừa bốc, vừa lượm những sợi lá chanh ra khỏi hai đĩa thịt vịt. Làm bộ tỉnh khô, tôi đi xuống nhà bếp, bảo là không thấy hai đĩa thịt gà trên bàn thờ, nên đem bát lá chanh xuống lại. Bây giờ mới đúng là thịt gà! Gà luộc trắng phau phau; vậy là làm bộ ung dung rắc lá chanh mà trong lòng nghĩ thật hú vía!
Tưởng mọi chuyện đã êm đẹp, chẳng ai hay biết được bao nhiêu "biến cố" đã xảy ra, nhưng ôi thôi, khi mọi người sắp sửa ngồi vào bàn ăn, tôi giật mình khi thấy hai đĩa thịt vịt vẫn còn phơ phất mấy cọng lá chanh. Ác một nỗi, lá chanh màu xanh lục lại càng nổi bật trên nền màu nâu đỏ của thịt vịt quay. Tôi chỉ muốn đưa tay bốc, mà mọi người đứng quanh bàn ăn quá đông, không có cách gì "đột kích" được nữa. Bây giờ chỉ còn cầu Trời, khấn Phật đừng ai để ý đến mấy cọng lá chanh ác ôn đấy nữa thôi. Khi mọi người bắt đầu ngồi vào bàn ăn, trống ngực tôi đánh liên hồi, chỉ muốn chui xuống gầm bàn, khi bác Trưởng đưa đôi đũa gắp miếng thịt, rồi bỗng la lên:" Ối giời ơi, ai mà bỏ lá chanh lên đĩa thịt vịt này vây?" Phải tìm ra một lý lẽ gì để giải thìch gấp, vì bốn con mắt của bác gái và bà chị họ đang quay về phía tôi chờ đợi câu trả lời. Tôi bỗng nhìn thấy quạt máy đang quay, nên nảy ý nghĩ nói liều: "Dạ, ban nãy cháu mang hai đĩa thịt gà lên bàn thờ, đi ngang cài quạt máy, nó quạt một cái, làm mấy sợi lá chanh từ hai đĩa thịt gà bay qua hai đĩa thịt vịt." Bây giờ thì tất cả mọi người quay cả lại nhìn tôi!!!! Ngô Thị Vân TuyetNgo wrote on 22. Nov 2008 , 18:20:
-Ngô Thị Vân -
Từ khi chuyển nghề, tôi phải lái xe mất hơn nửa tiếng đi và về cũng vậy, nên phải nghĩ ra nhiều cách để tiêu khiển dọc đường. Hằng ngày vừa lái xe, vừa nghe, vừa hát theo những băng nhạc chọn lọc cho qua quảng thời gian nhàm chán và xa vời vợi ấy. Có bận đang hát bài “ Kiếp nào có yêu nhau “đến đoạn Thái Thanh lên cao vút, muốn theo kịp phải nhắm mắt nhắm mũi họa may mới khỏi đứt hơi. Nhìn thấy khoảng cách giữa xe mình và xe đàng trước còn khá xa, nên yên chí nhắm mắt lại lấy hết hơi để theo cho kịp Thái Thanh, không ngờ thình lình chiếc xe bên cạnh chen vào giữa, may mà mở mắt kịp nên chân đạp thắng, miệng thì hét “đừng nhìn em nữa ui chao ơi! “ Lại có lúc đang say sưa hòa mình với Lệ Thu trong bài hát “Sang ngang “ bỗng nhiên bị nấc cụt, thế mà vẫn cứ tiếp tục hát, vậy cho nên cứ vài đoạn lại được đệm bằng những tiếng “hấc... hấc” : “anh hỡi đôi mình.. hấc, mộng này đã tan... hấc, tình đã dở dang.. hấc…”, ai mà nghe chắc tưởng rằng tôi đang có tâm sự quá cảm xúc mà khóc nấc chăng? Tự dưng tôi bật cười và chợt nhớ đến dì và anh họ tôi. Chúng tôi cùng tuổi với nhau nên vẫn trêu đùa như bạn. Có bận anh tôi trêu dì bảo rằng dì hát bài “Trầu cau” như thế này : “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu cà rụp, cà rụp, cà rụp, ôi ta buồn ta xin quyên sinh bởi vì ai cà rụp, cà rụp, cà rụp…” vì dì tập hát bài ấy theo chiếc điã hát đã bị nứt, thế mà dì vẫn không giận. Dì họ tôi trắng nõn nà và đẹp như một bức tranh, thế mà vài tháng sau ngày mất nước, đã bị chết tức tưởi vì những người lính Cộng sản không có kinh nghiệm lái xe trong thành phố, đã dám lái những chiếc xe nhà binh khổng lồ và cán chết dì tôi. Ôi thật đúng là “ hồng nhan bạc mệnh “! Anh họ tôi khá đẹp trai, thuở cắp sách đến trường các bạn tôi ai cũng bảo anh tôi giống Tây lai. Khoảng năm 1969 anh đã bị một viên đạn oan nghiệt chấm dứt cuộc đời quân ngũ. Ngày đưa anh ra nghiã trang, tôi còn nhớ mãi hình ảnh ông tôi mái tóc bạc phơ, cúi gầm đầu nhất định đi lẽo đẽo theo sau chiếc quan tài của đứa cháu ngoại yêu quý. Thật không có cảnh nào não lòng hơn, và câu hát ru em “ lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây” lại càng làm cho tôi thêm chua xót! Giờ đây cả dì lẫn anh tôi đã ra người thiên cổ, không hiểu ở bên kia thế giới anh tôi còn trêu chọc dì nữa không?
Lái xe vào những tháng ngày ngắn đêm dài, khi ra đi đèn đường vẫn còn sáng, khi trở về đèn đêm đã bật, tuy vậy trên xa lộ nhiều quảng đường không có đèn, nhìn vào kính chiếu hậu thấy những đoàn xe từ xa vùn vụt tiến tới ( vì mọi người đều chạy với vận tốc trên 75 dặm một giờ, riêng tôi và những xe vận tải hạng nặng chạy khoảng 68 đến 75 dặm/giớ là cùng) với những ngọn đèn vàng như những cặp mắt thú dữ tưởng như đang muốn vồ mình, nhưng khi đến gấn gần xe tôi, tất cả các xe đều tỏa ra hoặc bên trái hoặc bên phải, lại tiếp tục cuộc săn đuổi một kẻ thù vô hình. Đôi khi tôi cũng hừng chí tham dự vào cuộc đuổi bắt tưởng tượng ấy bằng cách nhấn thêm “gas”, cũng lượn, cũng lách, nhưng bỗng nhớ đến số tuổi chồng chất của mình, nếu là ngày trước chắc đang ngồi xếp bàn tròn trên sập gụ, mười ngón tay xoè ra đặt trên hai đầu gối, con cháu đứng hầu xung quanh. Thế là cụt hứng, từ từ chạy chậm lại. Có một buổi sáng tôi rời nhà khi trời còn sâm sẩm tối. Bầu trời trong vắt không một đám mây. Chiếc trăng lưỡi liềm treo lơ lững trên thinh không, phiá dưới có một vì sao nằm cạnh. Ôi chao ơi, sao mà nó có duyên đến thế! Tôi cứ vừa lái xe vừa ngẩn lên ngắm hoài không chán mắt, suýt tông xe đàng trước. Trông cảnh ấy không hiểu sao bỗng dưng tôi liên tưởng đến cô Cindy Crawford, người mẫu có nốt ruồi đáng giá nghìn vàng bên khoé miêng. Tôi còn có một trò tiêu khiển khác nữa là đọc bảng số xe đàng trước mặt và chợt khám phá ra một điều là hầu như tất cả các loại xe du lịch ở tiểu bang California, bảng số ( trừ những bảng số được đặt riêng ) đều đầu bằng một con số, rồi tiếp đến là ba chữ cái và sau đấy là ba số tiếp theo. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ rằng bảng số của tất cả các loại xe đều theo một thứ tự như trên, nhưng về sau mới nhận thấy rằng các loại xe vận tải mười tám bánh, xe chở xăng, xe đổ rác… theo một thứ tự khác biệt khi thì một con số đầu và tiếp theo là hai chữ cái ( chứ không phải ba chữ như các xe du lịch ) rồi đến bốn con số, hoặc bắt đầu bằng một, hay hai chữ cái, rồi các số tiếp nối, hoặc năm số đầu và hai chữ cái cuối cùng. Các loại xe “van, pick up, truck “.. có chiếc theo thứ tự của số xe du lịch có chiếc lại rập khuôn các xe kể trên, tôi cũng chẳng hiểu tại sao? Những chử cái liền nhau trên bảng số các xe du lịch đôi khi cũng tạo thành những chữ có nghiã rất buồn cười, nếu có Dạ Khê bên cạnh thế nào nàng ta cũng cho nghe vài ba chuyện tếu.
Bao giờ lái xe trên xa lộ, tôi cũng đều bấm số “ cruise control” hoặc 68 dặm/giờ hoặc 70 dặm/giờ, ai muốn đi nhanh hơn thì cứ vượt. Có bận tôi đang lái ở “lane” tận cùng bên phải xa lộ, bổng thấy một chiếc “ pick-up truck” lái sát xe tôi, đèn pha bật sang chói, tôi cũng mặc, cứ 70 dặm một giờ mà đi vì nghĩ rằng mình chẳng làm cản trở lưu thông vì lái chậm. Nó vẫn theo sát tôi như cố ý dọa, đến đường kế nó lấy “ exit “ và bấm còi rồi đưa ngón tay làm động tác mất dạy cho tôi thấy. Tôi biết rằng khi nó đã ra khỏi xa lộ rồi, thì không thể quay trở vào ngay được, nên yên chí bấm còi trả và đưa cùi chỏ hích về phía nó. Trưa hôm ấy ngồi xem vô tuyến truyền hình, thấy tin một phụ nữ Á Đông đang lái xe trên xa lộ bị một xe khác chận lại và bắn bị thương. Cả ngày hôm ấy tôi lo sợ khi nhớ lại hành động ngu xuẩn của mình ban sáng. Những ngày kề tiếp, tôi không dám đi đúng giờ như thường lệ, mà phải đi sớm hoặc chậm hơn mười phút, vì chỉ sợ gặp lại người lái xe bửa nọ, thế nào họ cũng nhận được xe tôi, vì xe Honda Prelude màu đỏ, đèn phiá đàng sau bị vỡ, phải vá bằng một băng nhựa màu vàng to tướng. Một tuần lễ trôi qua chẳng thấy gì, tôi mới yên long.
Xe tôi màu đỏ, nên người bạn Hung Gia Lợi - chủ cũ của xe tôi và cũng là bạn thân của ông xã tôi đã nhiều lần bảo anh ấy nhắc nhở cho tôi nhớ đây là những chiếc xe “dễ bắt mắt” cảnh sát công lộ. Khi lái xe, tôi rất cẩn thận, nếu muốn lái lẹ thì mắt phải láo liêng, nhìn trước, nhìn sau, nhất là luôn luôn phải nhìn vào kính chiếu hậu, nhận xét những xe đi sau mình rất xa, để xem có bóng dáng xe cảnh sát hay không. Bao giờ cũng phải cảnh giác đề phòng nên chưa hề bị ăn giấy phạt. Thế mà có một bận vừa ra khỏi xa lộ, vòng qua đường để về nhà, đèn vàng từ lâu đã đổi qua đỏ, không hiểu tại sao tôi lại nhấn gas vượt đi. Tự nhiên có linh tính là mình sẽ bị bắt, y như rằng, chỉ trong chớp mắt đã thây một chiếc xe chớp đèn ngay đàng sau. Thế là phải tấp vào lề. Người cảnh sát bước xuống xe đi về phiá tôi. Tôi vẫn ngồi yên trong xe, quay vội cửa kính xuống. Ông ta bảo tôi cho xem bằng lái xe và giấy tờ cần thiết, và hỏi tôi có biết lý do tại sao ông ta chận xe tôi lại không? Tôi trả lời vì vượt đèn vàng. Ông ta bảo không phải đèn vàng mà là đèn đỏ. Tôi làm bộ ngạc nhiên, cố nhìn thẳng vào mẳt ông ta rồi trả lời : “ Không, tôi chắc chắn không vượt dèn đỏ”. Nói dối nên trống ngực đánh thình thịch. May cho tôi là khi tôi vượt đèn đỏ,tôi không thấy xe cảnh sát nào ở phiá sau xe tôi, vậy ông ta phải ở từ con đường bên trái và thẳng góc với đướng tôi, xe ông ta có lẽ đứng đàng sau ít nhất là hai hay ba chiếc xe, vì khi tôi nhấn “gas“, tôi có liếc về phiá ấy, trời tối nên tôi chỉ để ý được những xe đứng đầu. Vậy ông ta cũng không chắc là tôi nói đúng hay sai. Thấy tôi trả lời có vẻ qủa quyết, nên ông ta cười và bảo rằng hôm nay là một ngày may mắn cho tôi, vậy ông ta chỉ cảnh cáo thôi, nhưng dặn từ nay về sau dù là đèn vàng cũng phải đứng lại. Tôi vôi vàng “ yes sir, yes sir “ lia liạ.Thế là thoát nạn! Hình như tôi có số may mắn không bị cảnh sát phạt. Dạo còn đi làm tại Damon Lab. ở Newbury Park, tôi phải rời nhà từ năm giờ sáng. Khi đi đến đường rẽ phải thì gặp đèn đỏ, tôi có quyền rẽ, nếu đường phiá trái không có xe đi lại. Lúc ấy tôi thấy một chiếc xe đang phóng tới, trời tối nên tôi chẳng biết là xe gì. Tôi rẽ phải, thay vì cứ ôm “lane“ phải, tôi lại đổi qua “lane“ trái là phiá đang có xe chạy đến. Xe ấy vội đổi qua “ lane“ phải, đi sát vào xe tôi, hoá ra là xe cảnh sát! Tôi buột miệng “thôi chết cha rồi, chi cũng bị phạt“, nhưng không hiểu tại sao xe ấy chạy song song với xe tôi một đoạn rồi phóng đi. Thật hú viá! Dạo đó tôi lái xe Cougar XR7, các bạn cùng sở trêu tôi bảo là xe không người lái. Có lẽ ông cảnh sát tưởng xe ma nên bỏ chạy chăng? Trước kia tôi thường thích lái những xe to lớn kềnh càngnhư Chevrolet Caprice Classic, Cutlas Supreme, Cougar XR7, Ford Crown Victoria.. vì nghĩ rằng sẽ an toàn hơn trên xa lộ và mình còn bắt nạt đuợc những xe nhỏ, chứ từ ngày lái xe Honda Prelude, những xe lớn chẳng nể nang gì mình, mà cả xe nhỏ cũng chẳng xem mình ra gì cả. Họ cứ việc lấn lướt được là lấn, nhiều lúc tức mà chẳng làm gì được. Lái xe hằng ngày mới nhận thấy một điều rất kỳ khôi, là phần đông người Mỹ mỗi lần muốn ra khỏi xa lộ, dầu ở “lane“ tay trái và chạy sau xe tôi, đằng sau xe tôi là một quảng trống, vẫn cứ nhấn “gas“ cúp ngang xe tôi để ra “exit“ chứ không chịu đạp thắng cho xe chậm lại để đổi qua “lane“ của tôi, rồi ra khỏi xa lộ sẽ an toàn hơn! Tôi đem điều này kể cho ông xã tôi, anh ấy cười và bảo rằng chỉ có một cách giải thích là khi họ học lái xe, người ta dạy rằng muốn đổi “lane“ phải nhìn thấy chiếc xe mình vừa qua mặt ở một quãng xa an toàn mới được qua?
Tôi thường lái xe chậm hơn những dòng xe trên xa lộ, nên thường chọn “lane“ cuối cùng bên phải để chạy. Có bận chở một người quen, bà ta là người miền Bắc chẳng biết ở miệt nào mà cứ nói ngược hai chữ l và n? Khi thấy tôi lái chậm hơn những xe khác lại đi ở “lane“ tay trái của xa lộ, nên ra mặt dạy khôn dạy khéo : “lếu trên xa nộ chị chạy chậm như thế, thì chị lên nái vào nên tay phải thì hơn, khỏi phải nàm cản trở nưu thông những xe nái sau xe mình“. Trước kia khi nghe bà ta nói chuyện, tôi đâu có để ý, thế mà không hiểu tại sao lúc ấy nghe một tràng những chữ l và n đổi ngược nhau, tôi suýt bật cười to, phải cố nhịn, giả vờ ho sù sụ, và suýt tí lữa thì nạng tay nái. Lái xe vào những ngày tháng ngày dài hơn đêm là cả một cực hình. Khi ra đi, cũng như khi về, mặt trời đều chói chang chiếu vào mặt mình, dù có bỏ chắn xuống hay đeo kính râm cũng chẳng ăn thua gì. Có vài đoạn lóa mắt, không dám nhìn thẳng, phải nhìn xuống đường cũng vô ích, ngay xe đằng trước mặt cũng chẳng thấy. Thế là phải lái chậm lại cứ như người mù. Khi ra khỏi khoảng ấy mới biết mình còn an toàn và cũng không hiểu tại sao đã không xảy ra tai nạn? Tôi tự hỏi không hiểu những người lái xe lúc ấy có bị trạng thái giống tôi không? Nếu đươc đi bên cạnh chiếc xe vận tải 18 bánh là tôi cứ núp theo nó, như núp bóng tùng quân, để nhờ nó che chở ánh sáng chóa loà chiếu vào mắt mình. Thông thường nếu thấy những loại xe ấy, tôi không bao giờ dám đi song song với chúng, phải nhấn “gas” để vượt vì nhỡ chúng lật, sẽ đè xe tôi bẹp dí. Để bù vào những phiền toái do ánh sáng mặt trời gây nên, thì hầu như ngày nào tôi cũng được ghé thăm mộ ba tôi, chứ những hôm hoàng hôn đổ xuống, nghe tiếng leng keng của phong linh hoà với tiếng qụa kêu đâu đó trong nghiã điạ trống vắng thênh thang, tôi đã rùng mình tưởng tượng những hồn ma đang phảng phất quanh đây, thế là chỉ kịp vái ba tôi và lâm râm khấn “Ba ơi, con đến thăm Ba đây“ rồi te cò chạy nhanh ra xe, lái ra khỏi nghiã trang càng lẹ càng tồt.
Đôi lúc lái xe trên xa lộ, nghĩ cũng giật mình. Chỉ sơ ý một giây đồng hồ, tay lái, chân thắng, chân “gas “ nếu xê dịch không đúng chỗ, có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Có bận tôi ra hiệu đổi “lane” qua tay mặt, vừa mới phóng qua, một chiếc xe “van” ở bên phải cũng đâm sầm vào “lane” ấy . Thế là hai xe lại văng vào vị trí cũ. May mắn thay những xe đi sau, có lẽ đã đoán được những chuyện gì đã xảy đến, đều thắng chậm lại, vì vậy mà xe “van” và xe tôi không bị đâm vào xe nào cả . Sau lúc ấy, trống ngực tôi đánh liên hồi như trống trận. Thế mà tôi vẫn thấy thích thú khi ngồi vào chiếc xe của mình, nên không cảm thấy lái xe trên xa lộ là một cực hình (trừ những lúc bị ánh nắng chói lòa) như mọi người thường nghĩ, nhất là biết rằng cuối con đường mình đi, sẽ có một nụ cười và đôi mắt thơ ngây đang chờ đón và tôi sẽ đưọc ôm trọn một hình hài bé bỏng thiên thần trong vòng tay.
NGÔ THỊ VÂN Cali ngày 9 tháng 6 năm 2000
 TuyetNgo wrote on 17. Mar 2009 , 05:02:Câu Chuyện Về Cặp Kính Màu
- Ngô Thị Vân -
http://levanduyet.net/TrangVangCoVan/CoVan2-2.jpgt=1237301926 Các bạn tôi thường thắc mắc không hiểu tại sao đêm cũng như ngày, mưa cũng như nắng, ngoài trời cũng như trong nhà, cặp kính sẫm màu cứ luôn luôn ngự trị trên sống mũi của tôi. Có bạn bảo tôi làm điệu, có kẻ còn bảo rằng tôi cắt mất để làm đẹp. Tôi nghe thấy hết, nhưng chỉ mỉm cười im lặng chẳng cải chính. Hôm nay tôi bỗng nảy ý muốn thanh minh thanh nga với các bạn tôi, nhưng đúng ra đây chỉ là một cớ để tôi có đề tài viết bài cho tập san Khải Định 48-55 quyển số 4 mà thôi. Ba năm về trước, tôi rất mê "soap opera" (làm việc cho người nhà cũng có cái lợi, nhất là khi boss của mình lại là em thì càng dễ bắt nạt), thế là mỗi ngày như mọi ngày tôi đều mở máy truyền hình từ 11:00 giờ sáng để xem "Loving": từ 11:30 đến 12:00 giờ trưa là tin tức; tiếp theo là "All My Children": soap opera mà tôi không thể thiếu được, nó kéo dài từ 12:00 trưa đến 1:00 chiếu; từ 1:00 đến 2:00: "One life to live", rồi "General hospital" tư 2:00 đến 3:00 giờ là soap opera cuối cùng và "talk show" của Oprah từ 3:00 đến 4:00 giờ chiều, tôi mới cho máy truyền hình nghỉ ngơi. Ngày nào tôi cũng dán mắt vào màn ảnh nhỏ trong khoảng thời gian ấy. Mỗi bận đang xem đến hồi gay cấn mà phải đưa bệnh nhân vào ghế chữa răng, hoặc phải rửa phim là đau khổ vô cùng! Lòng tôi buồn rười rượi, chẳng khác gì cảnh biệt ly được tả trong sách giáo khoa thư học thời còn nhỏ: "Chân bước đi mà mặt còn ngoảnh lại... cái TV". Có thể ví xem vô tuyến truyền hình quá nhiều, nên thị lực của tôi trở nên yếu dần? Thế là đầu năm 1995 tôi quyết định bỏ tất cả, chỉ còn xem tin tức từ 11:30 đến 12:00 và từ 12:00 đến 1:00 chiều là soap opera "All My Children" mà thôi. Tôi nhớ một buổi trưa sau khi đã hâm nóng lại hai hộp cơm, tôi mở thermos rồi chia phần thức ăn đều nhau bỏ vào trong hai hộp cơm là sẵn sàng dán mắt vào màn ảnh nhỏ, theo dõi câu chuyện tiếp nối của "All My Children". Điện thoại bỗng reo vang, tôi miễn cưỡng nhấc máy, đầu dây đằng kia là giọng nói vui vẻ của Tôn Nữ Dạ Khê. Mỗi bận nói chuyện với cô nàng này là không thể nhịn được cười vì nàng có biệt tài kể chuyện đến "tếu". Không hiểu nàng sưu tầm ở đâu ra mà lắm chuyện đến thế! Vì vậy tôi phải vận dụng tất cả các giác quan sẵn có: miệng vừa ăn vừa nói chuyện, tai mặt cố lắng nghe lời đối thoại phát ra từ máy truyền hình, tai trái đặt vào ống nghe để theo dõi cô bạn thân đang kể chuyện "hoang", mắt thì dán vào màn ảnh nhỏ, thỉnh thoảng lại liếc xuống hộp cơm để đặt thìa cho đúng chỗ. Em tôi bỗng từ phòng trong bước ra, chìa hộp cơm trước mặt tôi và làm dấu chỉ vào thức ăn trong ấy. Tôi không đeo kính nên chẳng thấy gì và cũng chẳng hiểu cô ta muốn nói gì. Tôi nghĩ có lẽ em tôi thiếu thức ăn nên định xin thêm; tôi xúc bớt phần của tôi sắp bỏ vào hộp của cô ta, nhưng em tôi lắc đầu rồi nói to: "Con gián trong cơm". Cơm ngậm trong miệng chưa kịp nuốt, bỗng bị phản ứng bất thình lình phụt ra khỏi mồm, văng tung toé trên thảm. Hoá ra sáng nay, khi tôi lấy thức ăn bỏ trên quầy gần bồn rửa bát, mấy con gián (không hiểu ngày ấy gián ở đâu trong nhà tôi bò ra mà lắm thế!) đã bắt mùi bò vào trong thức ăn, rồi chết ngộp trong ấy? Tôi không có kính nên chẳng thấy gì, cứ vậy đem hâm, bỏ vào thermos rồi mang theo lên phòng mạch. Cũng vì cái tội thèm cơm! Qua ở tại xứ Cờ Huê này đã hơn hai chục năm trời mà vẫn chưa quen được với thức ăn của Mỹ. Ngày nào cũng phải hai bữa cơm trưa và tối. Hôm nào thiếu cơm là nhớ cơm như nhớ người tình! Một câu chuyện khác cũng vì không đeo kính mà ra nông nỗi! Đấy là ngày lễ kỷ niệm 100 năm Quốc Học tổ chức tại San Jose. Hôm ấy các bạn tôi và tôi, sau khi đã gặp nhau tại Fremont Convention Center để họp mặt khoá 48-55 Khải Định, bèn rủ nhau kéo qua hội trường Scottish Rite Temple ở San Jose. Hội trường đông nghẹt người, tìm thầy tìm bạn thật là khó! Tôi muốn gặp Thầy Hà Như Chi nên hỏi thăm Hồng Lê. Theo tay nàng chỉ, tôi thấy lố nhố đằng xa một nhóm người, có hai người cao lớn mang kính trắng. Tôi vội len lỏi đến đấy, nhóm người ấy lại di chuyển về hướng khác. Thế là tôi phải chen lấn để chạy theo cho kịp. Tôi bỗng sực nhớ mình đang mang kính nên vội gỡ ra, vì nghĩ rằng khi Thầy Hà Như Chi gặp tôi với cặp kính trên mắt, Thầy sẽ chẳng nhận ra tôi là ai. Tôi bắt kịp đám người ấy. Tôi thấy một người đàn ông cao to mang kính trắng nên len đến cạnh cung kính chào: "Thưa Thầy". Ông ta nhìn sững tôi không nói gì. Tôi vội nói tiếp: "Thưa Thầy con là Ngô Thị Vân đây, Thầy quên con rồi à?" Ông ta bỗng lên tiếng: "Chị lầm rồi, tôi không phải là Thầy". Tôi đeo vội cặp kính lên mắt, nhìn về phía trước, thấy đúng là Thầy Hà Như Chi đang tươi cười nói chuyện với một người nào đấy. Tôi thật xấu hổ, vội lẻn đi ngay không kịp xin lỗi. Thế mà người ấy còn chạy theo tôi, đến gặp Thầy Chi để "tố cáo" tôi cho bằng được: "Thưa Thầy, chị ni lầm con với Thầy". Thú thật lúc bấy giờ tôi chỉ muốn mặt đất nứt ra cho tôi chui xuống lòng đất để trốn khỏi cả Thầy Chi lẫn người ấy mà thôi! Cũng vì không mang kính mới xảy ra cớ sự. May mắn cho tôi là chưa bao giờ lâm vào cảnh lầm người khác là "ông xã", dù có hay không có cặp kính trên mắt. Hai câu chuyện kể trên là những bằng chứng bắt tôi phải tuyệt đối tuân theo lời dặn của bác sĩ, là phải để cho cặp kính ngồi chồm hổm suốt ngày trên sống mũi của tôi và đấy là cặp kính thuốc chứ không phải kính râm đâu các bạn ạ!
Simi Valley, Cali một ngày mưa dầm Ngày 15 tháng 1 năm 1998 TuyetNgo wrote on 23. Feb 2009 , 04:01: Ngày 25 tháng giêng năm 1999 là ngày đầu tiên tôi nhận công việc mới. Nhớ lại năm tháng trước, khi bà bạn thân người Bắc là cựu đồng nghiệp tại trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt gọi tôi hỏi: - Này Vân, mi làm ở phòng mạch của Vĩnh, mi quen ai muốn giữ trẻ con, mi hỏi cho tao. Con gái tao hai tháng nữa là nó sanh rồi.
Tôi hứa sẽ tìm hộ, nhưng hai tuần trôi qua, tôi chẳng kiếm được ai, đành xin lỗi và hỏi đùa: - Mày hỏi con gái mày có thuê tao, tao làm cho. - Mi chỉ nói đùa, cháu mà được cô giúp cho thì quả là có phước! Một tuần nữa trôi qua, cũng chẳng nhờ được ai. Bạn tôi lại gọi, tôi đành phải hứa: - Thôi thì tao sẽ giúp hộ cho đến khi nào cháu nó tìm được người. Tôi báo cho Vĩnh biết và nhân công việc ở văn phòng cũng đang trì chậm nên em tôi cũng đồng ý để tôi đo thử. Một tháng trước khi con gái bạn tôi sinh, tôi gọi bạn tôi xem đã kiếm được ai chưa, bạn tôi cười bảo: -Cháu nó nhất định không kiếm ai nữa cả, cô mà giúp cháu là nhất rồi. Tôi đặt điều kiện gì hai mẹ con cũng đều chấp nhận, tôi đâm lo. Từ nhỏ đến lớn thỉnh thoảng có trông chừng các em, nhưng bao giờ cũng có mẹ tôi bên cạnh và người làm trông chừng; hơn nữa tôi không có con cái, nên chẳng có một kinh nghiệm gì về trẻ sơ sinh; mà đã hứa lỡ thì phải giữ lời. Thế là phải đi tìm mua cuốn sách "Baby and Child Care" của Dr. Spock về nghiền ngẫm trước. Các bạn tôi người nào cũng dọa rằng giữ trẻ con là mệt nhất, suốt ngày chỉ xoay quanh với nó chẳng làm gì được khác nữa. Tôi đã bắt đầu nản chí. Trong khoảng thời gian chờ đợi cho đứa bé sinh ra, tôi đã nhận được những bức thư chí tình của Từ Thị Kim Cúc. "Chị phải biết trẻ con hắn khun lắm, chị mà bế hắn là hắn bắt chị bồng hoài, không cách chi chị làm nổi mô. Đứa bé và cha mẹ nó thật có phước mới được chị săn sóc cho." ( Đến bây giờ tôi cũng không hiểu ai có phước hơn ai?). Chị của Kim Cúc là Từ Thị Như Mai cũng dạy khôn dạy khéo cho tôi nhiều lần. Có bận nàng dặn tôi : - Mi nhớ khi mi cho hắn bú xong, mi phải... Tôi cướp lời bạn tôi : -Tau biết rồi, phải bồng vác lên vai và đập đập vô lưng hắn. Như Mai hoảng hốt la bài hãi: - Mi đừng đập rứa mà hắn chết. Tôi bật phì cười : - Tau muốn nói là vỗ vỗ nhè nhẹ sau lưng. Mẹ tôi và nhiều bạn khác cũng cho tôi những lời khuyên quý giá để làm "hành trang" bước vào nghề mới. Cũng buồn cười, khi nghe tôi tuyên bố sẽ đổi nghề, có bạn đã hỏi tôi rằng: - Răng chị tài hoa dữ rứa mà đi làm nghề đó? Tôi nghĩ rằng từ dạo người Việt Nam bị bắt buộc trở thành dân du mục khắp nơi trên thế giới, tôi không còn coi trọng vấn đề giai cấp nữa. Nghề nào tôi cũng có thể chấp nhận, miễn không phải nghề bất lương là được. Tôn Nừ mộng Hà đã cảm thấy chua xót cho tôi mà than rằng: - Con Vân thiệt là phú quý giật lùi !
(còn tiếp) TuyetNgo wrote on 24. Feb 2009 , 03:59:"JOB" MỚI - Ngô Thị Vân -
(tiếp theo và hết) Buổi tối trước ngày đi nhận việc, chị họ của tôi là Thái Thị Quỳnh đã gọi điện thoại ân cần dặn dò và chúc may mắn. Đêm hôm ấy chẳng chợp được mắt, sáng đã phải dậy sớm. Sửa soạn một lúc đã thấy mẹ tôi cũng thức dây. Tối hôm trước bà cụ đã vắt cơm sẵn để bới theo cho tôi. Khi đi ra xe, mẹ tôi còn nhìn theo, cứ như đưa con gái về nhà chồng! Ngày hôm ấy tôi phải nhờ ông xã tôi ở lại với tôi để "ủng hộ tinh thần". Tôi đã cảm thấy luống cuống trong nhiều việc, không biết phải làm sao cho đúng. Nhất là khi phải thay áo quần cho bé, không hiểu phải thay áo quần cho bé, không hiểu phải bỏ tay vào trước hay bỏ chân trước? Xỏ chân vào xong lại không cách nào xỏ tay được, thế là phải cởi ra và làm ngược lại, cứ thế mà loay hoay mãi rồi cũng xong. Ông xã tôi có mặt ở đấy, nhưng chỉ đứng quan sát không chịu giúp. Nhờ công việc gì cũng từ chối, lại còn bảo: - Vân phải tập cho quen một mình, ngày mai không có anh ở đây thì nhờ ai? Tôi ức muốn phát khóc, nhưng sau khi suy nghĩ lại, thấy lời của chồng mình là chí lý nên cơn giận rồi cũng tiêu tan. Chiều hôm ấy khi đi làm về, mẹ tôi và em tôi đã vồn vã hỏi thăm công việc của tôi như thế nào. Tôi đâu dám nói sự thật, chỉ bảo rằng "vui" thế thôi. Tối đến Tôn Nữ Dạ Khê và Hồng Michalske là hai người bạn đầu tiên đã gọi điện thoại "vấn an". Bắt đầu từ ngày hôm sau, các dì tôi, chị em bà con và các bạn tôi dồn dập gọi điện thoại hỏi thăm tin tức, cứ như mình là kẻ đi sứ mới về! Công việc rồi cũng quen đi. Tôi không còn thấy khó khăn nữa, nhất là Ngô Kiều Điệp, em tôi, từ Houston Texas thế mà hầu như ngày nào cũng gọi điện thoại cho tôi để chỉ bảo và chia xẻ những kinh nghiệm bản thân và cũng để khuyến khích tôi trong công việc mới. Mỗi buổi sáng khi bế bé lên tay, nó nhìn mình rồi nhoẻn miệng cười, tôi thấy không có nụ cười nào đẹp bằng. Những ngày nghỉ cuối tuần không đi làm đã thấy nhớ. Hôm nay, trời bỗng mưa tầm tã, cơn bão đang từ đâu kéo đên? Chỉ có tôi và bé ở trong căn nhà trống vắng thênh thang. Những sợi mưa từ trời thả xuống liên tiếp như đan lấy nhau thành một bức rèm bằng nước che mờ những ngôi nhà đồ sộ ở thung lũng dưới kia và những cành cây bị gió đánh ngả nghiêng tạo thành một bức tranh nhạt nhoà bí ẩn. Tiếng mưa và tiếng gió đập sàn sạt vào cành cây và mái nhà gây thành những âm thanh rùng rợn. Không hiểu sao mỗi bận trời mưa, tôi lại nhớ đến hai câu thơ: Vũ vô kiềm toả năng lưu khách Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
và lời thơ của Nguyễn Bính mà bạn tôi đã đọc cho tôi nghe năm trườc nay lại trở về day dứt lòng tôi:
Nắng mưa là bệnh của trời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Tuy nhiên tôi không cảm thấy cô đơn vì trong tay tôi đang bế một "thiên thần". Bé nằm ép vào ngực tôi, đưa mắt đăm đăm nhìn tôi, không hiểu bé đang nghĩ gì, thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười. Tôi chưa bao giờ được làm mẹ, nhưng bỗng nhiên chợt nhận chân được cài tình mẫu tử quả là thiêng liêng và vô tận. Tôi cũng cảm thấy mình có phước khi được bà con bạn bè yêu thương và đã may mắn khi bằng lòng nhận "job" mới này.
- Ngô T. Vân - Cali ngày 9 tháng 2 năm 1999 Một ngày giông bão
TuyetNgo wrote on 14. Feb 2009 , 11:47:
Cuộc Hội Ngộ Với Thầy Lê Hữu Mục "Thương tặng các em nữ sinh Lê văn Duyệt của Mạ Vân" "Thầy Mục sẽ từ Canada qua thuyết trình lúc 3:giờ chiều Chủ Nhật ngày 14 tháng giêng tại tòa báo Người Việt. Chị gắng đi" Nguyễn ngọc Thanh gọi báo tin.
Thoạt đầu tôi còn phân vân, không hiểu có nên đến gặp lại thầy giáo cũ của mình không, cũng chỉ vì bài viết "Những Mẫu Kỷ Niệm Tại Trường Khải Định" mà tôi đã gởi đăng vào tập san "100 Năm Khải Định" tại San Jose. Nhưng sau khi suy đi nghĩ lại, tôi biết rằng thầy Mục tuổi cũng khá cao. Còn tôi đã hai thứ tóc trên đầu, nếu không đến gặp Thầy hôm đó biết đâu sau này chẳng còn cơ hội nào nữa, khi ấy có hối cũng muộn rồi. Thế là tôi quyết định đi dự buổi thuyết trình của thầy Lê Hữu Mục.
Gặp lại thầy Mục, tôi nhận thấy Thầy chẳng khác xưa là mấy, chỉ có mái tóc đã điểm màu sương tuyết. Khi tôi đến chào Thầy, Thầy đã vui vẻ chỉ vào tôi: "À, chị..." Tôi đỡ lời Thầy: "Dạ, Ngô thị Vân" thế là thầy trò ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Thầy nói tiếp: "Chị Vân khi còn đi học giỏi Việt văn lắm mà!" Tôi bỗng cảm thấy chua xót khi sực nhớ đến bài mình đã gửi đăng ở SAn Jose. Tôi không hiểu Thầy có thật sự nhớ tôi không? Riêng tôi đã có với Thầy một kỷ niệm khó quên. Lúc bấy giờ Lệ Thủy cũng đến chào Thầy "Thưa Thầy, Thầy nhớ ai đây không?" Thầy trả lời ngay không suy nghĩ : "Chị Trương Thị Lệ Thủy chứ ai! " Tôi thật phục Thầy đã có trí nhớ quá siêu việt !
Khi ngồi nghe Thầy thuyết trình về vấn đề chữ Nôm, tôi bỗng có cảm tưởng như đang sống lại mấy chục năm về trước, cũng ngồi im lặng khoanh tay nghe Thầy giảng bài. Tôi còn nhớ rõ một hôm Thầy gọi chị bạn tôi (xin được dấu tên) lên đọc bài đã soạn. Có lẽ đêm trước chị ấy đã mắc bận chuyện gì không làm bài được, chị ấy vội chụp cuốn vở của tôi, tôi đã xanh mặt, vì nếu Thầy gọi đến tên tôi, tôi lấy bài đâu mà đọc? Có lẽ sẽ dở trò chụp vở người khác vậy ! May thay, chúng tôi đều "tai qua nạn khỏi" Chị ấy được điểm cao, còn tôi không bị dính vào "sổ đoạn trường". Thật là hú vía !Không hiểu Thầy có biết chuyện đã xảy ra không?
Những chuỗi ngày cắp sách đến trường đang lần lượt diễn ra trong trí óc tôi, những khuôn mặt của các giáo sư, những khuôn mặt của cac bạn, thân có, sơ có; có người chỉ hiện ra mờ mờ, nhưng cũng có người hiện ra rất rõ nét; rồi những người bạn đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ còn gặp lại nữa ! Đang miên man sống lại với quá khứ, thì tiếng hát của Vũ An đã cất lên cao vút trong bản nhạc "Hẹn Một Ngày Về"của Thầy Lê Hữu Mục. Mắt tôi bỗng nhòa lệ. Tôi chợt nhớ thương xứ Huế thâm trầm quay quắt : nhớ xứ Huế mình với những ngày mưa thúi trời, thúi đất, nhớ những lần xắn quần lội nước lụt, nhớ những ngày nắng chói chang oi bức với những trận gió nồm như muốn thiêu đốt da thịt, nhớ cầu Tràng Tiền với những khúc eo mà đã có người ví như eo của các nữ sinh Đồng Khánh, nhớ bến đò Thừa Phủ, nhớ cửa Đông Ba, Thượng Tứ, chùa Thiên Mụ, Bến Ngự, Từ Đàm...ôi! làm sao mà nhớ thế! Ai đã từng ở Huế thì khó quên đất Huế, người Huế. Huế có một sức quyến rũ dịu dàng nhưng rất mãnh liệt. Thầy Lê Hữu Mục tuy là người Bắc cũng không thoát được thông lệ ấy. Thầy đã thương xứ Huế vô cùng nên đã gởi gấm niềm tâm sự vào trong nhạc phẩm bất hủ "Hẹn Một Ngày Về".
Tôi rất tiếc đã không thể ở lại với Thầy cho đến hồi kết thúc, vì còn phải đi dự buổi họp của hội Ái Hữu Lê Văn Duyệt. Tuy là một hội nhỏ bé nhưng rất thân tình như trong một đại gia đình của tôi mà tôi không thể thiếu mặt. Trước khi giã từ, tôi được hân hạnh chụp chung với Thầy một tấm ảnh để kỷ niệm ngày thầy trò đoàn tụ.
Hơn ai hết, tôi hiểu rõ hôm ấy Thầy đã cảm động biết bao khi thấy rằng học sinh của Thầy mấy chục năm trời xa cách, khi có dịp, vẫn tìm đến với Thầy. Cũng như tôi, mỗi bận có dịp lên miền Bắc Cali, các em nữ sinh Lê Văn Duyệt đã họp nhau lại để đón tiếp tôi. Các nữ sinh Lê Văn Duyệt của tôi cũng như các cựu học sinh của Thầy tề tựu hôm ấy tại tòa báo Người Việt để nghe Thầy thuyết trình, mua sách của Thầy để được ký tặng, là những bằng chứng hùng hồn đã thật sự đánh tan thành kiến hẹp hòi "nghề giáo sư là một nghề bạc bẽo!"
Cali ngày 24 tháng 01 năm 1996 - Ngô Thị Vân
-
|